Nam Định: Nâng cao công tác quản lý giống thủy hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Giống thuỷ sản là một trong những yếu tố then chốt quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm, cũng như tính bền vững của quá trình nuôi. Những năm qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định ngày càng được mở rộng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2010, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 15.734 ha, trong đó, nuôi nước ngọt là 9.520 ha, nuôi mặn lợ 6.214 ha.

Cùng với diện tích nuôi được mở rộng, các cơ sở sản xuất con giống thủy hải sản cũng phát triển mạnh. Toàn tỉnh hiện có 46 trại sản xuất giống thuỷ sản, trong đó có 24 trại sản xuất giống hải sản, 22 trại sản xuất giống thủy sản nước ngọt. Năm 2010, Trung tâm giống hải sản, Trung tâm giống thủy đặc sản tỉnh cùng với các cơ sở sản xuất con giống thuỷ sản khác trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được 212 triệu con tôm giống các loại; 172,5 triệu con ngao giống; 14,3 triệu cua C1; 1 tỷ 725 triệu con giống hàu và tu hài; 15 triệu con cá rô đồng và 1,3 tỷ con cá bột cung cấp kịp thời cho các vùng nuôi trong tỉnh.

Để đảm bảo đủ con giống có chất lượng tốt, đúng thời vụ cung ứng cho người nuôi, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất con giống, Ban Quản lý giống thủy sản (Sở NN-PTNT) đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn giống và chất lượng giống thủy sản nhập về tỉnh, hạn chế thấp nhất các lô giống không đảm bảo chất lượng mang mầm bệnh nguy hiểm, nhất là các giống: tôm he chân trắng, cá lóc bông, cá diêu hồng, cá vược, cá mú, tôm càng xanh… Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với các phòng NN-PTNT và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu mua giống của các hộ nuôi thuỷ sản để có kế hoạch cung ứng kịp thời. Đối với con giống sản xuất trong tỉnh, Thanh tra Sở NN-PTNT tiến hành kiểm tra và chứng nhận chất lượng giống theo tiêu chuẩn Việt Nam và của ngành đối với tất cả các cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn; rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh giống về điều kiện sản xuất kinh doanh, vệ sinh thú y, công bố chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu của cơ sở, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và xác nhận công bố chất lượng tiêu chuẩn giống cho từng cơ sở; đồng thời kiên quyết xử lý đối với các cơ sở cố tình vi phạm. Trung tâm giống thuỷ đặc sản tỉnh là đơn vị có uy tín trong việc phát triển, chọn và tạo giống thuỷ sản, nghiên cứu thực nghiệm ứng dụng các công nghệ mới về giống thuỷ sản và tư vấn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản, giữ gìn và phát triển quỹ gen của các loài thủy sản quý có giá trị kinh tế cao, hàng năm cung cấp ra thị trường trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa… hơn 100 triệu con cá bột, cá hương các loại. Việc chọn lọc giống bố mẹ của các loại cá: rô phi đơn tính đực, chép lai 3 máu, cá trình, cá lăng chấm, cá trắm đen… tại Trung tâm đều có hồ sơ nguồn gốc và chất lượng kiểm dịch khi nhập. Đồng thời trong quá trình sản xuất con giống, Trung tâm tuân thủ chặt chẽ quy trình bảo đảm chất lượng con giống theo trình tự kiểm soát dịch bệnh và nuôi lưu mẫu con giống sau khi xuất bán. Tuy nhiên, chi phí cho việc đảm bảo chất lượng con giống tăng khiến giá thành đến tay người nuôi cao hơn giá giống trôi nổi trên thị trường, trong khi người nuôi chưa thực sự quan tâm đến chất lượng con giống một cách khoa học mà chủ yếu vẫn chọn con giống bằng kinh nghiệm. Đây cũng là “điều kiện” để thị trường con giống trôi nổi có cơ hội phát triển, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Ngoài ra, qua thanh tra, đã phát hiện một số cơ sở sản xuất giống chưa tuân thủ quy trình khai thác đàn cá hậu bị như cá bố mẹ đủ trọng lượng 2,5 kg trở lên mới cho sinh sản và tùy vào từng chủng loại phải thay cá bố mẹ sau một thời gian nhất định. Một số cơ sở cho cá trưởng thành trong cùng đàn sinh sản, nhân tạo giống dẫn đến nhiều giống cá bị lai tạo cận huyết, làm giảm tốc độ sinh trưởng, năng suất thấp, gây thiệt hại cho người nuôi.

Bên cạnh việc các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm dịch, quy hoạch vùng sản xuất con giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản thì ở khâu lựa chọn con giống, người nuôi vẫn còn lúng túng, chưa thật sự hiểu hết giá trị của chất lượng con giống… Để khắc phục thực trạng này, Ban Quản lý giống thủy sản đã tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương quản lý chất lượng con giống của Nhà nước, kỹ thuật chọn lựa con giống, cơ chế kiểm dịch đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thú y… cho người dân ở những vùng nuôi thủy sản tập trung. Tăng cường kiểm tra phương tiện vận chuyển không đảm bảo vệ sinh thú y hoặc các lô giống nhập chưa thực hiện việc kiểm dịch, kiểm tra chất lượng con giống và xử lý các vi phạm.

Việc áp dụng đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý chất lượng con giống, bảo đảm có nguồn giống tốt, sạch bệnh cung ứng cho người nuôi, sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu đạt sản lượng 53 nghìn tấn nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2011.

Nguyễn Hương

Theo Báo Nam Định



Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!