(TSVN) – Những năm gần đây, hoạt động sản xuất thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nam Định có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực nuôi thủy sản nước ngọt.
Phát triển mạnh mẽ
Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản bền vững, với diện tích đất nuôi trồng hơn 17.000 ha, có 72 km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực nuôi thủy sản nước ngọt.
Năm 2024, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh đạt 9.000 ha, sản lượng ước đạt gần 70 nghìn tấn, tăng 5,56% so năm trước. Các loài cá truyền thống như: trắm, trôi, chép vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng; năng suất khá cao, đạt trên 5 tấn/ha. Các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá điêu hồng, cá lóc bông, cá lăng tiếp tục được phát triển mạnh.
Các loài cá truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong sản lượng, năng suất khá cao. Ảnh: Phạm Ánh
Ngoài ra, cá cảnh, đặc biệt là cá Koi, hiện đang trở thành sản phẩm có giá trị cao và ngày càng được mở rộng diện tích nuôi. Với khoảng 10 ha nuôi cá Koi, sản lượng thu hoạch đạt 7 – 10 tấn/năm, đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại. Đặc biệt, đã có sự chuyển đổi từ hình thức nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang nuôi tập trung và thâm canh, qua đó không chỉ giúp tăng hiệu quả sản xuất mà còn nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình là huyện Trực Ninh đã hình thành các vùng nuôi cá truyền thống, chạch sụn tập trung tại các xã, thị trấn Trực Chính, Trực Đạo, Phương Định, Trực Khang, Trực Mỹ, Cổ Lễ,… Huyện Ý Yên có các vùng nuôi tập trung với đối tượng chính là các loại cá truyền thống, cá rô đầu vuông tại các xã: Yên Chính, Trung Nghĩa, Phú Hưng, Yên Khang,…
Nhiều hộ dân, doanh nghiệp và hợp tác xã đã mạnh dạn thử nghiệm các kỹ thuật mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về nuôi trồng thủy sản, tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (GAP) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín trên thị trường. Trong đó, mô hình nuôi thâm canh cá trắm đen, cá chép, cá trắm cỏ đang trở thành xu thế phát triển chính, mang lại năng suất vượt trội, đạt tới 15 – 20 tấn/ha/năm.
Bên cạnh đó, sản xuất giống thủy sản nước ngọt cũng đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Các cơ sở đã sản xuất trên 1,2 tỷ con giống thủy sản nước ngọt, chủ yếu là các loại giống cá truyền thống, cá Koi, cá chạch sụn, ếch Thái Lan, ốc nhồi,… đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi trong tỉnh.
Vượt thách thức
Dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản nước ngọt Nam Định vẫn đối mặt với nhiều thách thức như tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp khó lường. Đơn cử như bão số 3 năm 2024 và mưa lũ lớn sau bão đã có gần 1.400 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, gây thiệt hại trên 4.500 tấn thủy sản, ước thiệt hại trên 135 tỷ đồng. Cùng đó, điều kiện thời tiết thất thường và môi trường nuôi thủy sản ngày càng bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ dùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
Để phát triển nuôi thủy sản nước ngọt bền vững, thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hệ thống kênh mương đảm bảo môi trường nuôi thủy sản ổn định và bền vững. Việc đầu tư vào các vùng nuôi thủy sản tập trung cũng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro do thiên tai và bệnh dịch. Ngành chức năng và các địa phương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong việc áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, phòng, chống dịch bệnh, cũng như các phương pháp quản lý môi trường nước; đặc biệt là áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt (GAP) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thủy sản xây dựng các mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp, đại lý tiêu thụ trong và ngoài tỉnh giúp ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản sạch, an toàn, hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thanh Hiếu
Trên địa bàn Nam Định có nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt khác mang lại hiệu quả cao như: Hợp tác xã Sản xuất và thương mại Tân Khánh; Tổ hợp tác nuôi thủy sản xã Yên Phúc (Ý Yên); Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn xã Hải Giang (Hải Hậu)…; các thành viên liên kết để tương trợ nhau từ vật tư đầu vào đến đầu ra sản phẩm.