Nam Định: Thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đáp ứng chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, Nam Định ưu tiên nuôi trồng, hạn chế đánh bắt thủy sản. Do đó, nhiều năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể.

Sản lượng tăng qua các năm

Nam Định là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển ngành thủy sản bền vững, với diện tích đất nuôi trồng hơn 17.000 ha, 72 km bờ biển với hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực nuôi trồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh liên tục tăng cao qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm. Từ năm 2012 đến 2022, Nam Định đã tăng gấp 2, 3 lần sản lượng, từ hơn 54.000 tấn lên gần 128.000 tấn thủy sản. Năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt gần 134.000 tấn, tăng khoảng 4% so năm 2022.

Người dân mạnh dạn ứng dụng nuôi tôm nhiều giai đoạn giúp tăng năng suất vụ nuôi. Ảnh: Đào Cảnh

Thời gian qua, người dân đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Cùng đó, các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là có nhiều loại với giá trị kinh tế cao, trở thành sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, ngao và cá biển. Phương thức nuôi cũng được chuyển dần từ nuôi quảng canh cải tiến sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Các vùng nuôi thâm canh tập trung chủ yếu ở các huyện ven biển, như vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở các xã Bạch Long, Giao Phong (huyện Giao Thủy) và các xã Hải Hòa, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (huyện Hải Hậu); vùng nuôi tôm sú, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược ở 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu; ngoài ra còn có các mô hình như nuôi cá song, cá bống, nuôi sò huyết, nuôi ngao…

Công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất giống thủy sản những năm qua luôn được ngành chức năng Nam Định đặc biệt quan tâm. Bởi đây là yếu tố then chốt nhằm bảo đảm phát triển sản xuất thủy sản, cung ứng kịp thời giống thủy sản đáp ứng tốt yêu cầu của người dân. Năm 2023, toàn tỉnh đã sản xuất được hơn 16 tỷ con giống các loại với 100 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Trong đó, hoạt động sản xuất giống mặn lợ được tập trung phát triển mạnh với hơn 90 cơ sở, năng lực sản xuất từ 12 đến 15 tỷ con giống/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu nuôi thả của toàn tỉnh. Đối tượng giống được sản xuất mạnh là các loài nhuyễn thể như ngao, hàu Thái Bình Dương và một số loài cá biển… Với giống nước ngọt, Nam Định chủ yếu ương dưỡng các loài cá truyền thống, sản xuất trung bình khoảng 1 tỷ con giống/năm. Một số đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao chủ yếu phải nhập ngoài tỉnh như cá điêu hồng, cá lăng, cá trắm đen.

Ngao là đối tượng chủ lực

Bên cạnh các sản phẩm tôm, cá, Nam Định cũng phát triển mạnh nghề nuôi ngao. Năm 1992, nghề nuôi ngao ở Nam Định bắt đầu hình thành tự phát bằng giống bản địa. Đến năm 2004 đã có bước phát triển mới khi du nhập và nuôi ngao trắng Mertrix lyrata. Nghề nuôi ngao thực sự phát triển mạnh từ năm 2010 và đến nay đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Hiện nay, tổng diện tích nuôi ngao trên toàn tỉnh là hơn 2.350 ha, sản lượng ngao trung bình những năm gần đây đạt khoảng 40.000 tấn/năm, với thương hiệu ngao sạch Giao Thủy đã được khẳng định trên thị trường. Người dân đã làm chủ được hoàn toàn công nghệ sản xuất giống, chủ động được nguồn giống tại địa phương, các vùng nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh phát triển ổn định.

Nuôi ngao mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; đồng thời, góp phần tích cực bảo vệ và phát triển các vùng sinh thái tự nhiên. Theo lãnh đạo huyện Giao Thủy, với hơn 1.500 ha bãi triều thuộc hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, sản lượng ngao thương phẩm trung bình mỗi năm toàn tỉnh đạt 17.000 tấn. Riêng huyện Giao Thủy, nơi có diện tích nuôi trên 1.400 ha, sản lượng ngao 12.000 tấn/năm.

Đặc biệt, đối với vùng nuôi ngao thương phẩm huyện Nghĩa Hưng, năm 2020, Sở NN&PTNT Nam Định đã phối hợp Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam và các hộ nuôi ngao hình thành “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” rộng 500 ha ở xã Nam Điền. Đây là vùng nuôi đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đạt chứng nhận ASC cho thương hiệu ngao Meretrix Lyrata. Việc đạt Chứng nhận ASC cho vùng nuôi ngao Nam Định khẳng định, trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của các nước trên thế giới. Đây là tiền đề quan trọng và là cơ hội “vàng” để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng lên một tầm cao mới.

>> Hiện toàn tỉnh có hơn 15.000 ha nuôi trồng thủy sản với khoảng 5.500 ha nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh (trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 3.500 ha, nuôi nước mặn, lợ 2.000 ha) với 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!