Lĩnh vực khai thác thủy sản thời gian qua có sự phát triển mạnh, số lượng tàu thuyền tăng cao, tuy nhiên, hạ tầng nghề cá lại chưa được đầu tư tương xứng, nhiều tàu cá thiếu nơi neo đậu, gây mất an toàn tàu cá nhất là vào mùa mưa bão.
Hầu hết khu neo đậu tàu thuyền đang có tại Quảng Ngãi đều được được xây dựng cách đây khá lâu nên đã quá tải và xuống cấp. Hiện tại, 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền được Bộ NN&PTNT chỉ định là Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa và Mỹ Á, Sa Huỳnh chỉ đáp ứng được việc neo đậu cho các tàu thuyền có công suất nhỏ. Tổng năng lực thiết kế cho tàu thuyền neo đậu tại các cảng do Sở NN&PTNT tỉnh quản lý là 1.750 chiếc, trong khi, số lượng tàu cá thường xuyên hoạt động và nhu cầu neo đậu tại các cảng khoảng 3.500 chiếc.
Neo đậu tàu cá tại Quảng Bình – Ảnh: CTV
Vài năm gần đây, tàu thuyền vào cảng Tịnh Hòa neo đậu ngày càng tăng vì nhiều cửa biển của Quảng Ngãi đã bị bồi lấp nặng. Mỗi đợt mưa lũ, ngư dân lại cập bờ chen chúc tìm nơi tránh trú an toàn. Trong đợt bão số 6 vừa qua, gần 400 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung về đây trú tránh, vượt quá sức chứa cho 350 phương tiện của khu neo đậu. Đại diện ngư dân cho biết, không có chỗ nào trống, ra không được, vô cũng không xong. Tàu thuyền Quảng Ngãi dồn vô đây hết, mấy cửa Mỹ Á, Sa Huỳnh bồi lấp không vô được. Quá tải nên nguy cơ xảy ra cháy nổ, va đập, bức neo tàu thuyền khi sóng gió lớn là khó tránh khỏi. Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa cho biết, Cảng chỉ có sức chứa khoảng 350 tàu (công suất 100 CV) nhưng thời điểm hiện tại khi có nhiều tàu công suất 700 CV neo đậu tại đây khiến cảng rơi vào tình trạng quá tải. Sở NN&PTNT đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện việc khắc phục, sửa chữa các hạng mục cần thiết theo thứ tự ưu tiên trong năm 2020 cho 4 cảng cá chỉ định Tịnh Kỳ, Mỹ Á, Sa Huỳnh, Tịnh Hòa; đối với những hạng mục còn lại quy mô lớn, Sở sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Tình trạng thiếu khu neo đậu cho tàu cá vào mùa mưa bão đang diễn ra tại tỉnh Bình Định. Cảng cá Đề Gi, huyện Phù Cát nhiều năm qua đã trở thành nơi neo đậu bất đắc dĩ của hơn 20 tàu thép. Vào mùa mưa bão, gió lớn, khiến các tàu va đập với bờ kè, gây vỡ nhiều đoạn tại cầu cảng, ngành chức năng địa phương cũng yêu cầu các tàu cá di dời đến nơi neo đậu khác, tuy nhiên, họ chưa biết đi đâu. Ông Đào Xuân Diện, Giám đốc BQL Cảng cá Đề Gi cho biết, mùa mưa bão, nước dâng cao; 48 tàu thép đóng mới theo Nghị định 67 nhưng lại không có âu thuyền nào riêng, tạo áp lực va chạm cho nhà giàn neo đậu.
Hay như tại Quảng Bình, hạ tầng nghề cá nơi đây lại chưa phát triển tương xứng, 70% các tàu phải cập bến ở những cảng cá ngoài tỉnh hoặc phải cập ở các cầu bến tạm, ảnh hưởng đến tiến độ bốc dỡ hải sản, tiềm ẩn những rủi ro cho tàu cá. Cảng cá Sông Gianh được xây dựng từ lâu, thiết kế chỉ đón nhận tàu có công suất khoảng 150 CV trở xuống. Với 2 cầu cảng hình chữ T, mỗi cầu cảng dài khoảng 50 m tàu thuyền có thể neo đậu được hai bên. Tuy nhiên, hiện tại đội tàu cá đã có bước phát triển vượt bậc, công suất tàu cá đạt từ vài trăm đến 1.000 CV trong khi cơ sở hạ tầng bến cảng không được đầu tư, mặt trong của cầu chữ T hiện nay đã bị bồi lấp không thể sử dụng được, hệ thống chống va đập cho tàu cũng hư hỏng không đảm bảo an toàn.
Hải Lý