Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nạn tôm giống không kiểm dịch, tôm nguyên liệu bơm tạp chất và thuốc thủy sản giả vẫn rất phức tạp, điển hình ở tỉnh Bạc Liêu.
Tôm giống không kiểm dịch
Chỉ trong 3 đêm (từ tối 18 đến rạng sáng 21/2), Tổng cục Thủy sản phối hợp địa phương kiểm tra phương tiện vận chuyển giống tôm nước lợ qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, phát hiện nhiều vi phạm. Nội dung kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản khi lưu thông.
Báo cáo hôm 24/2, do Trưởng đoàn Kiều Trung Dũng ký, cho biết kiểm tra 25 phương tiện chở khoảng 50 triệu con tôm giống (80% là tôm thẻ chân trắng, còn lại tôm sú), phát hiện 15 phương tiện vi phạm với khoảng 20 triệu con tôm giống. Số tôm giống vi phạm chở trong 21 lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch giống thủy sản. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử lý vi phạm.
Một cơ sở ở Bạc Liêu bị bắt quả tang bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu
Đoàn kiểm tra đánh giá: “Số phương tiện vận chuyển tôm giống vi phạm về kiểm dịch (không có giấy chứng nhận kiểm dịch; vận chuyển quá số lượng so với giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp) không có dấu hiệu giảm mà có xu hướng tăng so với các năm trước. Lý do, từ khi Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, các địa phương không thực hiện kiểm dịch đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Thủy sản (theo báo cáo của các địa phương, số lượng cơ sở đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện dưới 30%). Về xử lý vi phạm tại địa phương, hiện nay chỉ lập biên bản vi phạm hành chính đối với phương tiện vận chuyển vi phạm, chưa áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là tiêu hủy giống thủy sản chưa kiểm dịch vì số lượng giống thủy sản vi phạm nhiều, địa phương chưa bố trị khu vực/địa điểm tập kết để tiêu hủy giống thủy sản vi phạm”.
Thuốc giả và tôm tạp chất
Tối 18/2, Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang một cơ sở sản xuất thuốc thủy sản giả quy mô lớn ở phường 1 (TP Bạc Liêu), thu giữ gần 4,5 tấn thuốc các loại. Cơ sở do ông Châu Hào Thực làm chủ, đang tổ chức pha trộn, đóng gói thuốc thủy sản giả. Số lượng thuốc giả chứa trong 2.246 thùng nhôm, bao tải, chai nhựa; trong đó các những hộp thuốc thủy sản thành phẩm đã xếp vào hàng trăm thùng giấy chuẩn bị đưa ra thị trường.
Gần 4,5 tấn thuốc thủy sản giả ở cơ sở của ông Châu Hào Thực
Bước đầu, ông Thực khai, từ tháng 11/2019 đến ngày bị bắt, đã mua các loại men vi sinh, thuốc tăng trưởng thủy sản trộn với đường công nghiệp, bột màu hóa học rồi đóng gói, dán nhãn mác tự thiết kế, bán ra thị trường. Mỗi sản phẩm bán từ 60.000 – 110.000 đồng. Hiện nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đang điều tra mở rộng.
Tỉnh Bạc Liêu còn là địa bàn nhức nhối tình trạng tôm chứa tạp chất với số vụ được phát hiện đứng đầu các địa phương trong vùng. Trong 3 năm gần đây, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an tổ chức 600 đợt kiểm tra liên ngành ở 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, phát hiện hơn 200 cơ sở vi phạm với gần 40.000 tấn tôm chứa tạp chất; nhiều nhất ở tỉnh Bạc Liêu. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu Phan Thị Thu Oanh bày tỏ: “Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu nhưng tình hình vẫn rất phức tạp”.
Công an tỉnh Bạc Liêu làm việc với ông Châu Hào Thực
Lúc 20 giờ 30 phút ngày 16/12/2019, Công an tỉnh Bạc Liêu kiểm tra xe tải do Nguyễn So Đa ở tỉnh Cà Mau cầm lái, phát hiện 400 kg tôm nguyên liệu có chứa tạp chất là Agar (rau câu) và CMC (phụ gia tạo đặc, tạo nhớt). Đây là một trong nhiều vụ bắt quả tang xe chở tôm chứa tạp chất ở Bạc Liêu, địa bàn đang được đánh giá tình trạng tôm tạp chất “không ngăn chặn nổi”. Tôm chứa tạp chất được vận chuyển bằng nhiều phương tiện, kể cả xe khách như đã phát hiện nhiều vụ cũng do Công an tỉnh Bạc Liêu.
Còn bắt quả tang cơ sở bơm tạp chất vào tôm ở tỉnh Bạc Liêu cũng đã phát hiện rất nhiều vụ qua thanh tra đột xuất. Ngày 8/11/2019, Thanh tra Sở NN&PTNT đột xuất kiểm tra cơ sở thu mua tôm nguyên liệu của bà Nguyễn Thị Gương (54 tuổi, ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai) bắt qua tang 15 người đang bơm tạp chất vào tôm. Tại hiện trường có 200 kg tôm nguyên liệu, trong đó, 20,5 kg tôm đã bơm tạp chất. Đáng chú ý, cơ sở của bà Gương cũng như không ít cơ sở khác, có hệ thống dụng cụ khá “chuyên nghiệp” để phục vụ việc bơm tạp chất vào tôm.