Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều 19/01/2024, Hội Thủy sản Việt Nam họp bàn về việc thực hiện lộ trình chuyên nghiệp và đổi mới hoạt động Hội; củng cố, đổi mới hoạt động các Ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Hội.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có ban lãnh đạo Hội, Trưởng các Ban chuyên môn, Văn phòng Hội, Ban Kiểm tra, Giám đốc, Phó Giám đốc các Trung tâm trực thuộc Hội khu vực Hà Nội. 

Mở đầu cuộc họp, ông Đỗ Huy Hoàn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thủy sản Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam trình bày Dự thảo Đề án “Đổi mới nội dung và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030”. 

Các đại biểu tham dự cuộc họp

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, Hội Thủy sản Việt Nam có 6 đơn vị chuyên môn; 32 đơn vị Hội viên cấp tỉnh, thành phố; 86 đơn vị Hội viên tập thể, Hiệp hội thành viên và Hội viên cá nhân. Nhiều Tỉnh hội địa phương đã thường xuyên kiện toàn, phát triển hội viên cơ sở, vận động hội viên tích cực tham gia đẩy mạnh hoạt động của Hội, hoạt động thủy sản tại địa phương. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp hoạt động, tham gia đóng góp vào việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của ngành thủy sản. Các đơn vị chuyên môn cũng phần nào hoạt động có hiệu quả. 

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam khẳng định thời gian tới Hội cần có Đề án đổi mới tổng thể

Bên cạnh đó, Hội tích cực tìm kiếm, thu hút và tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế. Trung ương Hội và nhiều tổ chức hội thành viên ở tỉnh đã chủ động tạo nguồn kinh phí trang trải và phục vụ cho công tác của Hội đạt hiệu quả thiết thực.

Mặc dù tổ chức Hội đã từng bước được củng cố và phát triển, nhưng nhìn chung chất lượng hoạt động còn hạn chế và chưa ổn định. Hoạt động chăm sóc, duy trì, tăng cường tính kết nối hai chiều giữa hội viên, nhất là Hội viên doanh nghiệp với Trung ương Hội chưa được duy trì thường xuyên, chưa có kế hoạch và ràng buộc cụ thể. 

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay, cùng những yêu cầu phát triển và thách thức của ngành thủy sản thời đại mới, đòi hỏi Hội Thủy sản Việt Nam phải có những thay đổi, nâng cao năng lực của hội, cải cách phù hợp với quy mô tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, thích ứng với nhu cầu đổi mới sáng tạo để phục vụ tốt hơn nhu cầu của hội viên và phát triển bền vững. 

Chính vì vậy, Đề án “Đổi mới nội dung và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030” được xây dựng nhằm xác định tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức Hội xác định và triển khai kế hoạch được đồng bộ, có sự phối hợp, chia sẻ rộng khắp và kết nối hiệu quả.

Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng: Hội cần có mối liên hệ mật thiết với các hội viên nhất là tại các tỉnh, địa phương. Các tiểu ban khi thành lập cần có đủ cơ chế thẩm quyền, quy định rõ ràng. Cơ chế tạo ra chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó là động lực để các đơn vị hoạt động. Ông Hồi nhấn mạnh thêm. 

Đồng quan điểm, ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam bổ sung: Hội đã có một cái tên mới, bao quát hơn, rộng hơn với những điều lệ mới đã được thông qua. Do vậy, Đề án phát triển hoạt động của Hội ra đời là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong đó cũng cần nêu rõ nội dung vụ thể với từng lộ trình, kế hoạch chi tiết. 

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã tích cực thảo luận về việc phân bố lại nhiệm vụ cụ thể, chức năng của từng tiểu ban, hướng tới sự chuyên nghiệp, minh bạch, giúp tư vấn hoạt động của Hội hiệu quả. Sau khi nghe các ý kiến góp ý từ tất cả các đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Hội, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam ghi nhận tinh thần đóng góp, xây dựng từ các hội viên, đồng thời khẳng định thời gian tới Hội cần có Đề án đổi mới tổng thể. Căn cứ vào nội dung đã được nhất trí thống nhất cao tại Đại hội Ban chấp hành Hội, ông Thắng nhấn mạnh: Nội dung trong Đề án cần được xây dựng trên tinh thần “thiết thực, đồng bộ, hiệu quả, ngắn gọn”, không ngừng hướng về doanh nghiệp và người dân. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!