T3, 07/09/2021 03:31

Nâng cao nhận thức của người dân trong chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng nay, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan với 28 tỉnh, thành phố, 144 huyện, thị xã và 392 xã, phường, thị trấn có biển; bàn giải pháp đạt mục tiêu để EC gỡ “thẻ vàng” về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Nhiều nỗ lực khắc phục khai thác IUU

Báo cáo của Bộ NN&PTNT về kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so trước. Nổi bật là: Kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt; công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được chú trọng, đặc biệt là xử lý vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS; công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng đã được tăng cường; trong đó đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc quy định kiểm soát 100% tàu cá từ 24 m trở lên ra, vào cảng;  đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương; bước đầu đã triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), kiểm soát thủy sản, nguồn gốc thủy sản từ khai thác của tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đã ban hành gần 100 văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, quy định của Luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU; thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tại địa phương, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế; đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp. Ảnh VGP

Nhưng hoạt động chống khai thác IUU cũng còn một số tồn tại nhất định. Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến. Chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết VMS, các tỉnh có tỷ lệ lắp đặt thiết bị VMS còn thấp như Quảng Trị (đạt 64,1%), Trà Vinh (đạt 67,17%), Hà Tĩnh (đạt 68,66%), Quảng Ninh (67,05%)… Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng nhiều địa phương tổ chức thực hiện chưa đảm bảo độ tin cậy, còn mang tính chất đối phó như tại các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị…

Vai trò của các địa phương

Tại cuộc họp, các địa phương ven biển đã báo cáo về tình hình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về IUU; trong đó tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; áp dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường quản lý, giám sát tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ ngành nhiều giải pháp để hỗ trợ địa phương, nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần để EC sớm gỡ “thẻ vàng”.  Đại diện một số bộ, ngành nhấn mạnh, địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc chống đánh bắt IUU và cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ngăn chặn việc này, vì lợi ích quốc gia, địa phương, ngư dân. Nếu tình trạng này kéo dài thì ảnh hưởng chung toàn ngành thủy, hải sản, tác động sâu sắc đến sinh kế của tất cả ngư dân, nông dân. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, phải có biện pháp làm sao mà đạt mục tiêu EC gỡ “thẻ vàng”; dứt khoát phải thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư không để bị áp “thẻ đỏ”. Muốn vậy phía cơ sở phải nỗ lực cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng cho rằng, phải xuất phát từ xã, phường, thị trấn để nâng cao ý thức người dân. Hệ thống chính trị phải vào cuộc rồi chúng ta mới làm thành công. Mặc dù việc nhỏ thôi, nhưng tổ chức mà không tốt thì nhỏ cũng không xong, việc nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn. Nếu không tuyên truyền tốt, không hướng dẫn tốt, không có vận động tốt, có khi người dân chưa hiểu được việc đó ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc thế nào, ảnh hưởng đến chính người dân thế nào thì việc chuyển biến còn chậm. Vì lợi ích quốc gia, phải nỗ lực tuyên truyền, không để người dân vi phạm. Việc tuyên truyền, vận động phải thực hiện theo 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giám sát, vận động nhân dân để: “Dân biết – Dân hiểu – Dân tin – Dân theo – Dân làm”, ý thức của người dân là rất quan trọng.  Do đó, Thủ tướng đề nghị xã, phường, thị trấn trực tiếp làm việc với người dân, phải tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị cần chỉ đạo, kiểm tra, làm sao nhanh chóng để EC gỡ “thẻ vàng”, để thúc đẩy phát triển thủy, hải sản của Việt Nam đi đúng hướng.

Giải pháp trọng tâm

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm đã được đưa ra để thực hiện ngay.

Đó là, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, trong đó mục tiêu trong năm 2021 giảm thiểu ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Với sự tham gia của Bộ Quốc phòng là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan (như: Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang) cùng Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.

Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quy định về chống khai thác IUU. UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong năm 2021, các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… cần phải đẩy nhanh tiến độ. Các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh… khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện đúng quy định việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhất là tại các tỉnh Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang…

Về phía Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển:

+ Xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng đồng bộ Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác bằng điện tử (Ghi Nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận…).

+ Khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống VMS để theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển và tiếp tục đầu tư, nâng cấp Hệ thống VMS để đảm bảo năng lực quản lý; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua VMS, xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU…

+ Triển khai có hiệu quả Hiệp định PSMA, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam.

+ Kiện toàn, phát triển lực lượng Kiểm ngư ở Trung ương để tăng cường thực thi pháp luật thủy sản hiệu lực, hiệu quả, chống khai thác IUU…

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!