(TSVN) – Thúng chai (thuyền thúng) là dụng cụ đánh bắt hải sản thô sơ của người dân chài, gắn liền với cuộc sống những ngư dân miền biển Nam Trung bộ. Thô sơ nhưng gần gũi, những chiếc thúng chai như là những mảnh hồn của tình người dân vùng biển.
Thuyền thúng không thể đi ra xa giữa biển mênh mông, nhưng dùng để đánh bắt gần bờ thì khá tiện, không tốn quá nhiều công sức để vận hành thuyền, chủ yếu đánh bắt trong ngày với những ngư dân quen đánh bắt nhỏ lẻ. Nếu muốn đưa thuyền thúng ra xa khơi thì thuyền thúng thường đi cùng những tàu đánh cá. Những thuyền thúng trở thành điểm nhấn giữa muôn trùng sóng nước.
Thuyền thúng đã có từ lâu đời nên người dân cũng quen nghề, quen cách đan thuyền từ bé. Nhưng đan thuyền thúng không phải là một công việc dễ dàng. Muốn đan thuyền cần có một đôi bàn tay khỏe mạnh, khéo léo, quen nghề và kỹ năng điêu luyện. Tre được mua về, đem chuốt hết màu xanh vỏ ngoài, cắt khúc theo kích thước đã định sẵn. Khúc tre tiếp tục được chẻ thành nan và đem đi phơi nắng phơi sương. Nhưng tuyệt đối những nan này không được để dính mưa. Nước mưa rất dễ làm nan tre bị gãy. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cũng rất cần tỉ mỉ, chu đáo mới tạo ra được chiếc thuyền thúng bền trước nắng, trước mưa, trước những mặn mòi của biển.
Ở mỗi nơi người ta lại dùng thuyền thúng theo những cách khác nhau. Có vùng dùng thuyền thúng để câu mực như Lý Sơn, có nơi lại dùng để lặn sò, câu bờ như Ninh Thuận, Bình Thuận, đi đánh cá ngoài khơi cùng thuyền lớn như Phú Yên. Nhưng dù dùng như thế nào đi chăng nữa, những thúng thuyền lấp ló giữa đại dương, nơi đất liền vẫn luôn mang theo chuyện cuộc đời của người ngư dân với biển; những bóng thuyền, những chấm màu bé nhỏ nhưng đặc trưng, đậm sắc của vùng biển miền Trung, của biển Việt Nam.
Một số hình ảnh đẹp về thuyền thúng:
Ngọc Diệp