Nhiều ngư dân chia sẻ, từ chục năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Việt Nam đã giảm đáng kể. Thế nhưng, số lượng tàu thuyền được đóng mới hàng năm vấn nhiều, công suất ngày một tăng, hoạt động rầm rộ đủ 12 tháng trong năm, thế nên biển ít dần tôm, cá và hệ quả tất yếu xảy đến.
Táo bạo khai thác “chui”
Hiện nay, mặc dù đã có rất nhiều quy định, chế tài xiết chặt quản lý tàu cá, thế nhưng, số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trong tháng 6/2019, cả nước xảy ra 15 vụ/25 tàu/218 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ. Tính từ 16/12/2018 đến 25/6/2019, đã xảy ra 64 vụ/110 tàu/775 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị xua đuổi, bắt giữ. Riêng tại Bình Định, 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 13 tàu cá/89 ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ và 51 lượt tàu cá vi phạm bị cảnh báo.
Theo ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong cả nước có dấu hiệu gia tăng, Bình Định là tỉnh đứng thứ 4 cả nước có số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Còn tại Kiên Giang, báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Kiên Giang chiều ngày 23/9 vừa qua cho thấy, những tháng đầu năm, đã có 41 tàu cá Kiên Giang với 440 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, trong đó, Malaysia bắt giữ 28 tàu/310 ngư dân.
Để khắc phục “thẻ vàng” của EC và siết chặt quản lý tàu cá khai thác, nhằm hạn chế tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, Việt Nam đã có rất nhiều quy định chặt chẽ. Trong đó, tàu cá vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng do lỗi vi phạm, xử lý nghiêm thuyền trưởng và chủ tàu, thậm chí, có thể xem xét xử lý hình sự. Chưa kể, khi vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ tàu hoàn toàn có thể mất trắng tàu, bị phạt tiền nặng, ngư dân phải ngồi tù… thế nhưng tàu cá Việt Nam vẫn liều ra khơi.
“Neo” tàu chờ bán
Tại Kiên Giang, tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ đông đảo, tuy nhiên, hiện rất nhiều tàu không ra khơi mà neo lại ngày một đông.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá Rạch Giá cho biết, khai thác đánh bắt không hiệu quả khiến ngư dân thua lỗ nặng. Với số lượng tàu cá dày đặc trên biển như hiện nay thì không thể nào mang lại hiệu quả kinh tế. Ngư dân đang rất khó khăn, buộc lòng phải cho tàu nằm bến.
Chủ một đôi tàu lưới cào tại thành phố Rạch Giá cho biết, chi phí ban đầu cho cặp tàu này ra khơi một chuyến biển từ 1,1 – 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu vay ngân hàng đóng hoặc nâng cấp tàu thì còn phải trả nợ hàng tháng. Do vậy, đánh bắt không có cá, tôm… thì nợ chồng nợ. Mỗi mẻ lưới kéo lên hiện nay phần lớn là cá con, cá phân, cá tạp, rất ít những loài cá, tôm có giá trị kinh tế cao.
Nhiều nơi, tàu cá phải nằm bờ – Ảnh: Nam Anh
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, những tháng qua, tàu cá cũng nằm bờ la liệt. Theo các ngư dân ở đây, từ nhiều tháng nay đã có 50 – 70% tàu cá nằm bờ. Một ngư dân buồn bã cho biết, rất nhiều ghe câu mực nằm bờ rao bán nhưng không có ai mua, vì mua cũng không biết để làm gì bởi cá, tôm đã cạn kiệt. Còn đại diện Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ (Nha Trang, Khánh Hòa) thông tin, riêng hai tháng trở lại đây, lượng tàu ra khơi giảm 50% so với bình thường.
Vậy là, bên cạnh những bài viết, những tin tức về tàu cá bội thu, những điều này nghe thật bất ổn.
Vì đâu nên nỗi?
Lý giải đầu tiên cho tình trạng này, nhiều người lập tức cho rằng, do chi phí mỗi chuyến biển tăng cao bởi giá xăng dầu tăng liên tục, lao động khan hiếm và công cao khiến chi phí mỗi chuyến biển tăng; nhiều tàu không đủ bạn đi nên buộc phải nằm bờ… Lý do nào cũng đúng, thế nhưng, sâu xa của vấn đề, đã có người chỉ ra rằng, do biển của Việt Nam đã không còn cá, tôm như trước. Tàu đi biển thu không đủ bù chi, nhiều lần như vậy đã đưa họ đến khánh kiệt.
Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến nhận định, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thực trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là do nguồn lợi thủy sản ở vùng biển trong nước ngày càng suy giảm. Trong khi đó, ngư trường các nước có nguồn thủy sản dồi dào, giá trị kinh tế cao.
Đây là hệ quả của việc đội tàu khai thác tăng dày đặc, việc quản lý ngành nghề khai thác lỏng lẻo, kiểm soát không chặt chẽ khiến nhiều loại hình đánh bắt tận diệt vẫn ngang nhiên diễn ra. Và tất yếu, biển hết cá, tôm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, về lâu dài, phải xây dựng và bảo vệ các khu bảo tồn để duy trì, phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng thời đánh giá đúng trữ lượng thủy sản để nghiên cứu chính sách cấm biển vào thời điểm phù hợp. Bởi, nếu vùng biển của Việt Nam nhiều cá như ngư trường của nước ngoài thì chẳng dại gì ngư dân phải mạo hiểm xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh cá.
Tuy nhiên, trước mắt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm đánh bắt ven bờ, xử lý mạnh tay với các hành vi khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt để sớm khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên ngư trường. Trong đó, cần quy định, xử lý và thực hiện nghiêm thời vụ khai thác, một năm đánh bao nhiêu ngày, mùa nào, vùng biển nào để biển có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo lại ngư trường. Cần sớm chấm dứt tình trạng khai thác trên biển vô tội vạ như hiện nay.
Mặt khác, nhiều địa phương ven biển cũng đã tích cực vào cuộc. Theo ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT xây dựng quy hoạch vùng biển nào khai thác mùa nào, khai thác bao nhiêu, loại hình nào được khai thác ở đâu đều phải quy định chặt chẽ. Chỉ có cách làm hồi phục nguồn tài nguyên biển mới mong cứu vãn nghề đánh cá của Kiên Giang.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, lâu nay ngư dân ra khơi đánh bắt tràn lan, cả vào mùa sinh sản. Điều này làm cạn kiệt dần nguồn lợi hải sản. Đã đến lúc phải nghiên cứu các phương án hạn chế đánh bắt thời gian đó. |
Bảo Hân