Người nuôi cá tra mỏi cổ chờ vốn ngân hàng, giờ đây còn phải đối mặt gánh nặng giá thức ăn tiếp tục phi mã. Để tự cứu mình, họ bàn nhau cắt khẩu phần ăn của cá, giảm giá thành sản xuất, mong thoát lỗ.
Cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày
Nhằm giúp người nuôi cá tra giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm thua lỗ, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long vừa nghiên cứu thành công đề tài nuôi cá tra mới: Cho cá ăn gián đoạn, 7 ngày cho cá ăn, ngưng 2 ngày nhưng cá vẫn phát triển bình thường.
Th.S Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết, hiện nay hệ số tiêu tốn thức ăn trong các mô hình nuôi cá tra trung bình 1,6 – 1,85. Với chi phí thức ăn chiếm 70 – 80,5% giá thành sản xuất thì việc giảm thức ăn sẽ tiết kiệm đáng kể.
Th.S Hồng phân tích, việc cho cá ăn với lượng thức ăn nhiều hay tần số cho ăn quá dày trong ngày không đồng nghĩa việc cá tăng trọng nhanh mà ngược lại, khối lượng lớn thức ăn cho cá ăn liên tục sẽ dẫn đến tiêu hóa chậm, thức ăn không sử dụng triệt để và làm giảm sự hấp thu dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thức ăn không được cá sử dụng hết sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh xảy ra, mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Điều này mang đến rủi ro cho người nuôi cá, nhất là lúc thức ăn tăng cao.
Cá tra nuôi cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày tăng trọng nhanh hơn cá cho ăn liên tục
Kết quả, sau 7 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống của ao cho ăn liên tục là 66,2% và ao cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày là 74,23% (cá nuôi ban đầu 19 – 21 gram/con, chiều cao thân 1,5 – 2 cm). Vấn đề sử dụng thuốc và hóa chất cũng được ghi nhận, chi phí sử dụng thuốc và hóa chất ở ao cho ăn liên tục là 948 đồng/kg, ở ao cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày là 887 đồng/kg (đến khi cá thu hoạch). Ở ao cho ăn liên tục, chất lượng nước kém, dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn ao cho ăn gián đoạn. Cá cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày có tốc độ tăng trưởng và tăng trọng theo ngày lớn nhất (mức tăng trưởng là 749 g/con và tăng trọng là 3,68 g/con/ngày), chứng tỏ cá tra nuôi cho ăn gián đoạn tăng trọng nhanh hơn cá cho ăn liên tục.
Khi cho cá ăn liên tục, hệ số thức ăn cao 1,63 so với cho cá ăn gián đoạn là 1,44. Hiệu quả sử dụng thức ăn ao cho ăn liên tục sẽ thấp hơn, đạt 0,61 so với cho ăn gián đoạn là 0,69. Chứng tỏ chi phí ao nuôi cho cá ăn liên tục cao nhất và chi phí thấp nhất ở ao cho cá ăn gián đoạn. Tỷ suất lợi nhuận của người nuôi cá theo phương pháp cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày đạt cao nhất (41%) và thấp nhất nếu cho ăn liên tục (28%).
Trong lúc người nuôi xoay vốn khó khăn, giá bán cá nguyên liệu vẫn còn thấp so với giá thành sản xuất, ngoài việc một số người nuôi ở Vĩnh Long, Cần Thơ… mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi mới (7 ngày cho ăn, ngưng 2 ngày) thì nhiều hộ nuôi khác quay về thức ăn truyền thống (tự chế), giảm mật độ thả nuôi và tăng cường công tác kỹ thuật, giúp cá ít bệnh, giảm lượng thuốc… được xem là những biện pháp hữu hiệu không kém.
“4 nhà” cần chung lưng
Nhiều nhà máy chế biến thức ăn thủy sản cũng xác định, cá tra được giá thì nhà máy sẽ hưng thịnh, còn người nuôi cá “chết” thì nhà máy cũng “lụy” theo.
Từ cuối năm 2011, Công ty CP Chế biến Thủy sản Long Phú, chuyên sản xuất, kinh doanh, gia công thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành đã có kế hoạch hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thực hiện liên kết “4 nhà” bảo đảm đầu ra cho cá tra với hàng chục hộ nuôi, chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). Giám đốc Công ty, bà Võ Thị Kim Hằng cho rằng: 4 mắt xích quan trọng trong mối liên kết “4 nhà” là ngân hàng, người nuôi cá, nhà cung cấp thức ăn và doanh nghiệp thu mua. Nếu 4 mắt xích này liên kết chặt chẽ thì giải quyết được khó khăn, vướng mắc của quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như “cứu” được nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn đang thoi thóp như hiện nay. Nhưng muốn thực hiện tốt việc liên kết này, cần sự nỗ lực của cả “4 nhà” trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, tôn trọng nhau.
Công ty CP Việt Long VDCO (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cũng đã khẳng định được thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi thủy sản trong thời gian qua, với sản phẩm cung ứng khoảng 80.000 tấn/năm. Tính đến nay, Công ty đã đầu tư xây dựng 5 nhà máy và 5 dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động với hệ thống sấy bảo toàn dinh dưỡng đảm bảo thức ăn không biến dạng, giúp cá hấp thu dinh dưỡng tốt, giảm lượng thức ăn tiêu tốn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lâm Văn Dũng (xã Đại Thành, TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Mô hình liên kết 4 nhà giúp cho người nuôi cá rất an tâm. Đầu ra, đầu vào đều được bảo đảm thông qua ngân hàng, không sợ thiếu thức ăn khi hết vốn hay bị doanh nghiệp mua cá chiếm dụng vốn”.
Nhưng có thực tế hiện nay, mặc dù nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn “ra đi” nhưng giá thức ăn vẫn tăng cao. Đáng buồn hơn nữa, trong lúc nông dân, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đang gặp khó thì một số ngân hàng quay lưng, nhiều nhà cung ứng thức ăn tiếp tục làm khó người nuôi khi họ bắt buộc trả tiền mặt lúc nhận hàng. Vì thế, để tạo lối thoát cho ngành cá tra hiện nay thì 4 nhà phải thật sự bắt tay nhau, cùng chung lưng đấu cật mới giải quyết được bài toán này.
>> Cá cho ăn 7 ngày, ngưng 2 ngày có tốc độ tăng trưởng và tăng trọng theo ngày lớn nhất (mức tăng trưởng là 749 g/con và tăng trọng là 3,68 g/con/ngày), chứng tỏ cá tra nuôi cho ăn gián đoạn tăng trọng nhanh hơn cá cho ăn liên tục. |