Ngày 31/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,67%, gần tương đương mức tăng của năm 2012 (2,68%), trong đó: trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,95% so với 2012, bao gồm: Nông nghiệp đạt 602,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,47%; lâm nghiệp đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%; thủy sản đạt 176,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,22%.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP và giá trị sản xuất toàn ngành thấp năm 2012, nhưng được đánh giá là mức tăng trưởng khá và hợp lý trong bối cảnh có nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Năm 2013 có nhiều bất lợi cho tiêu thụ nông sản và xuất khẩu. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD, trong đó: thủy sản đạt 6,7 tỷ USD (tăng 10,6%); đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 5,5 tỷ USD (tăng 17,8%); tôm ước đạt 3,0 tỷ USD, tăng 25%.
Thủy sản vẫn là một trong những thế mạnh của nông nghiệp. Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt 1.037 ngàn ha; sản lượng đạt 3.210 ngàn tấn, tăng 3,2% so với năm trước, trong đó cá 2.407 ngàn tấn, tăng 0,2%; tôm 544,9 ngàn tấn, tăng 15% (riêng tôm thẻ chân trắng đạt 280 ngàn tấn, tăng 50,5% so với năm 2012). Sản lượng khai thác ước đạt 2.709 nghìn tấn, tăng 3,3%, trong đó khai thác biển đạt 2.519 nghìn tấn, tăng 3,5%. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 5.918,6 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2012, trong đó cá đạt 4.400 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 704 nghìn tấn, tăng 11,7%.
Năm 2013, sản lượng cá nuôi đạt 2.407 ngàn tấn – Ảnh: LHV
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, năm 2013, bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều bất lợi. Tuy nhiên, kết quả chung cả năm về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, tốc độ tăng trưởng ngành đạt khá (tương đương mức tăng của năm 2012); định hướng và giải pháp tái cơ cấu đã dần rõ nét. Năm 2014, để nông nghiệp đạt được giá trị gia tăng, cần xác định việc tái cơ cấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, từng địa phương rà soát xác định những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các chương trình dự án tập trung, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao, bền vững.
Với lĩnh vực thủy sản, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật kết hợp thực hiện các chính sách khuyến khích đánh bắt xa bờ, phát triển các hình thức dịch vụ trên biển; mở rộng mô hình quản lý cộng đồng đối với nghề cá ven bờ; Hướng dẫn phát triển bền vững nuôi tôm và nhuyễn thể đảm bảo an toàn dịch bệnh, chấn chỉnh cơ bản sản xuất kinh doanh cá tra để nâng cao hiệu quả trên cơ sở phát huy lợi thế quốc gia; mở rộng áp dụng thâm canh nuôi cá nước ngọt, nước lạnh, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Trong năm qua, nông nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và tăng cường xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ, tiêu thụ nông sản được thực hiện hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân, nhất là trong bối cảnh nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới suy giảm. Theo đó, năm 2014, cần tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế.
>> Năm 2014, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 3,5%. Các chỉ tiêu cụ thể: Tăng trưởng GDP đạt 2,6 – 3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,1 – 3,5% so với năm 2013 (trong đó trồng trọt 2 – 2,5%, chăn nuôi 5 – 5,5%, lâm nghiệp 5,5 -6%, thủy sản 3,5 – 4%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 28,5 tỷ USD. |