Ngành thủy sản toàn cầu: Xu hướng chuyển dịch nguồn lao động

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – NTTS là một ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ với tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các thách thức về lương thực và môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, ngành NTTS cũng đang đối mặt với một vấn đề cấp bách: “Cơn khát” lao động chất lượng cao.

Những xu hướng chuyển dịch mới

Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động đặc biệt đến sự thay đổi của thị trường lao động toàn cầu. Dù chỉ mới bắt đầu, nó đã và đang phá vỡ cấu trúc thị trường lao động truyền thống ở nhiều quốc gia. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra vào năm 2016, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, thị trường lao động sẽ chịu thách thức nghiêm trọng vì sự mất cân đối giữa cung và cầu lao động. Theo đó, 7 triệu việc làm trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông và lao động trình độ thấp sẽ biến mất. Đến 2023, những dự báo đó đã trở thành hiện thực.

Với những thay đổi từ môi trường kinh tế, xã hội và phương thức sản xuất, WEF (2023) ước tính trong 5 năm tới có khoảng 44% kỹ năng của người lao động sẽ cần được thay đổi để phù hợp với việc làm. Ngành thủy sản cũng không nằm ngoài quỹ đạo thay đổi này. Nhu cầu về lao động chất lượng cao tăng lên, cùng với đó nhu cầu về lao động phổ thông và trình độ tay nghề bậc trung và thấp sẽ giảm dần. Những thay đổi này đã định hình lại lực lượng lao động trong ngành thủy sản, hướng tới một lực lượng lao động chất lượng cao, có kỹ năng và kiến thức để đáp ứng nhu cầu của một ngành đang phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, vấn đề thiên tai, dịch bệnh cũng được cho là nhân tố quan trọng điều hướng chuyển dịch nguồn lao động cho ngành thủy sản toàn cầu. Xu hướng chuyển đổi các phương thức sản xuất từ “nâu” sang “xanh”, biến tăng trưởng “nóng” thành tăng trưởng “xanh”, để bảo vệ môi trường, hạn chế thiên tai, đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này cũng làm thay đổi đáng kể yêu cầu đối với nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là nhóm ngành có mối liên hệ trực tiếp với môi trường như NTTS.

Yêu cầu đặt ra

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các quốc gia phải có tầm nhìn về chiến lược, nhanh chóng chuyển đổi hình thức tư duy lạc hậu để bắt kịp thời đại. Cùng với đó, suy thoái kinh tế toàn cầu và sự thay đổi về nhu cầu của thị trường lao động, do xu hướng việc làm thay đổi được coi là nguyên nhân chính của tình trạng thất nghiệp trong khu vực nông, lâm, thủy sản.

Với sự thay đổi nhanh chóng về các yêu cầu kỹ năng làm việc trong tương lai, các quốc gia đã và đang chú ý vào hoạt động đào tạo người lao động và tập trung vào thúc đẩy tư duy phân tích, tư duy sáng tạo; kỹ năng lãnh đạo và tạo ảnh hưởng xã hội; năng lực khám phá và học tập suốt đời; quản lý và sử dụng AI và dữ liệu lớn; quản lý môi trường, tiếp thị và truyền thông… nhằm nâng cao chất lượng cho ngành.

Cách mạng 4.0 đang làm giãn rộng khoảng cách giữa hoạt động đào tạo và cái mà xã hội thực sự cần. Việc đầu tư vào đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng với điều kiện hiện nay là vô cùng quan trọng. Điều này đồng nghĩa với việc đào tạo phải tập trung vào việc cung cấp những kỹ năng và kiến thức phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đồng thời phải đáp ứng được các yêu cầu về hiện đại hóa và tích hợp quốc tế mà các doanh nghiệp lớn trong ngành đang đặt ra.

Ngành thủy sản đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành này cần giải quyết vấn đề “cơn khát” lao động chất lượng cao thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động trẻ gia nhập ngành. Với sự hợp tác và đầu tư đúng mức, ngành NTTS có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, là dấu hiệu cho thấy các tiến bộ công nghệ sẽ đóng vai trò lớn trong thay đổi diện mạo thị trường lao động những năm tới

Lan Khuê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!