Ngành tôm Việt Nam: Chủ động để bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là mục tiêu mà ngành tôm Việt đang hướng tới, nhằm giảm việc lệ thuộc việc nhập khẩu, tăng chất lượng, giảm giá thành… và phát triển ổn định, bền vững.

Áp lực từ phát triển “nóng”

Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) phát triển mạnh bắt đầu từ năm 2009 chủ yếu tập trung ở các tỉnh duyên hải Trung bộ. Đến nay, TTCT đã phát triển nuôi khắp cả nước trong đó ĐBSCL chiếm đến gần 50% trên tổng diện tích. Hiện cả nước, có hơn 1.700 cơ sở sản xuất giống tôm sú, trên 500 cơ sở sản xuất TTCT, sản lượng ước khoảng 68,4 tỷ con.

Cả năm 2014, về diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 685 nghìn ha, bằng 102,2% kế hoạch và tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2013. Diện tích nuôi chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng Nam bộ (chiếm 93% so với tổng diện tích cả nước) và đóng góp 84,4 % tổng sản lượng cả nước. Về cơ cấu tỷ lệ nuôi tôm, đã có sự dịch chuyển lớn về diện tích nuôi tôm sú sang nuôi TTCT. Về phương thức nuôi tôm nước lợ đã có xu thế tăng dẫn diện tích nuôi bán thâm canh và bán thâm canh giảm dần diện tích nuôi quảng canh.

Sự phát triển TTCT nhanh chóng gây áp lực lên môi trường và cung ứng con giống, dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Bệnh đốm trắng xảy ra tại 259 xã, 73 huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là gần 24.000 ha. Bệnh xảy ra trên cả TTCT và tôm sú, tôm có độ tuổi 10 – 110 ngày sau thả. Tôm sú là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất với diện tích gần 15.000 ha, chiếm trên 61% tổng diện tích bị bệnh đốm trắng; diện tích nuôi TTCT là hơn 9.000 ha tương đương gần 39% toàn diện tích bị bệnh. Bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 237 xã, 62 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh lên tới hơn 5.500 ha.

Tôm bố mẹ chủ yếu là nhập khẩu – Ảnh: Trần Út

 

Để thoát lệ thuộc

Một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh được xác định là do chất lượng con giống không đảm bảo. Tuy nhiên, chất lượng con giống lại phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng tôm bố mẹ. Để sản xuất đủ nhu cầu con giống đáp ứng phát triển nuôi TTCT trong thời gian tới, chúng ta cần khoảng  200.000 con tôm bố mẹ/năm. Tính đến nay, Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu. Rất khó kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ từ nước xuất khẩu. Giá nhập khẩu cao, có sự chênh lệch lớn giữa các cơ sở 26 – 80 USD/con, nguồn bố mẹ không chủ động, dẫn đến giá thành tôm giống cao, dao động 80 – 95 đồng/con. Vấn đề kiểm soát chất lượng tôm bố mẹ lưu thông trong nước cũng gặp không ít khó khăn khi có rất nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu, chuyển nhượng tôm bố mẹ giữa các doanh nghiệp, sử dụng tôm bố mẹ không đúng thời gian theo quy định…

Theo đó, vấn đề cấp bách hiện nay là phải sản xuất được tôm bố mẹ thông qua nghiên cứu gia hóa và chọn giống TTCT. Ở Việt Nam, TTCT không phải là loài tôm bản địa nên không có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện trên đối tượng này trước năm 2001. Bắt đầu từ năm 2003, một số công trình nghiên cứu đã được các viện nghiên cứu và doanh nghiệp triển khai. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ tập trung vào lĩnh vực tạo trình sản xất giống sạch bệnh, nuôi thương phẩm. Nghiên cứu phát triển tôm bố mẹ TTCT mới được chú ý trong những năm gần đây. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, III, Công ty Giống thủy sản Minh Phú (Ninh Thuận) và Công ty Giống thủy sản Việt-Úc (Bình Thuận) đã tiến hành nghiên cứu gia hóa tôm bố mẹ, nhập một số đàn tôm vật liệu ban đầu từ các nước như Mỹ, Mexico, Ecuador, Columbia, Thái Lan… và thử nghiệm lai chéo giữa các dòng tôm, đánh giá tuyển chọn tạo quần đàn vật liệu. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, III đã nghiên cứu quy trình nuôi tôm bố mẹ sạch bệnh, nuôi thành công tôm bố mẹ từ giai đoạn hậu ấu trùng trong các điều kiện nhân tạo, an toàn sinh học. Kết quả đã xây dựng được quy trình nuôi tôm giống thành tôm bố mẹ sạch một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm thường gặp.

 

Huy động tổng lực

Trên cơ sở đánh giá kết quả nghiên cứu đã thực hiện, nguồn vật liệu hiện có ở các viện và các doanh nghiệp, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và triển khai dự án “Phát triển tôm bố mẹ tôm chân trắng” giai đoạn 2013 – 2015 với sự tham gia của các Viện Nghiên cứu Thủy sản I, II, III và các doanh nghiệp sản xuất giống. Có thể nói đây là dự án phát triển tôm bố mẹ đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Đến nay, dự án đã thu thập được 9 đàn tôm có nguồn gốc khác làm vật liệu ban đầu cho quá trình nghiên cứu chọn giống. Năm 2013 và 2014 đã tiến hành lai tạo và đánh giá khả năng sinh trưởng của các tổ hợp lai và các gia đình tôm.

Trong nghiên cứu chọn giống có hai vấn đề tối quan trọng đó là ứng dụng di truyền phân tử như là một công cụ để chọn giống. Vấn đề này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng con giống tạo ra. Vấn đề thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là kỹ thuật ươm, nuôi, lai tạo và phát triển các dòng tôm đảm bảo an toàn sinh học. Hai vấn đề trên phải được kết hợp thực hiện một cách thống nhất, xuyên suốt cả quá trình chọn giống. Để tạo ra nguồn lực đủ mạnh thì nhất thiết phải kết hợp giữa các viện, trường và các doanh nghiệp để phát huy thế mạnh của các bên.

Thời gian tới, các viện nghiên cứu, trường đại học có đủ nguồn lực con người, thiết bị để nghiên cứu chuyên sâu về di truyền phân tử cần thiết lập chương trình chọn giống có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Các doanh nghiệp có thế mạnh về nguồn vốn, kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi, có cơ sở vật chất phát triển tôm bố mẹ ở quy mô lớn và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Có như vậy, các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ là nơi nghiên cứu, chọn tạo được các dòng tôm chọn giống, các doanh nghiệp sẽ tiếp nhận và phát triển tôm bố mẹ ở quy mô thương mại và đảm bảo thị trường tiêu thụ.

Chỉ bằng cách phối hợp chặt chẽ giữa viện, trường, doanh nghiệp với nhau thì hy vọng Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động sản xuất được tôm bố mẹ chân trắng phục vụ sản xuất.

>> Dự án “Phát triển tôm bố mẹ tôm chân trắng” giai đoạn 2013 – 2015 với sự tham gia của các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III và các doanh nghiệp sản xuất giống đặt mục tiêu là đến năm 2015 xác định được các dòng tôm cho ưu thế về tốc độ tăng trưởng, phù hợp với điều kiện nuôi ở Việt Nam để phát triển thành tôm bố mẹ phục vụ sản xuất và từ năm 2016 trở đi, chúng ta có thể chủ động được một phần tôm bố mẹ sản xuất trong nước.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Giống hải sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!