Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là lịch thả giống tôm nước lợ năm 2020 khu vực ĐBSCL sẽ kết thúc, nhưng tại một số vùng nuôi tôm trong khu vực, tiến độ thả nuôi gần như chững lại mặc dù gần đây giá tôm đã tăng trở lại.
Tại Sóc Trăng, vụ tôm nước lợ năm nay được bắt đầu từ ngày 20/1 và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào ngày 30/9, nhưng đến hết tuần đầu tháng 9, toàn tỉnh thả nuôi trên 46.000 ha và theo ông Huỳnh Ngọc Nhã – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, sản lượng tôm năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Theo ông Nhã, trước đây, thường tỷ lệ giữa diện tích ao nuôi/ao lắng là 7/3 hoặc 6/4, còn hiện tại, tỷ lệ này 3/7, thậm chí chỉ là 2/8. Đây là sự thay đổi mang ý nghĩa tích cực, khi không chỉ giúp tăng tỷ lệ thành công mà còn tăng năng suất tôm nuôi. Vì vậy, cho dù diện tích nuôi thực tế có thấp hơn nhưng bù lại sản lượng vẫn tăng. Thực tế cũng cho thấy, dù chỉ mới thu hoạch trên 19.000 ha, nhưng sản lượng tôm của Sóc Trăng đã đạt gần 82.000 tấn, trong khi diện tích đang còn tôm của tỉnh gần 18.000 ha, nên khả năng đạt và vượt chỉ tiêu sản lượng tôm năm nay của tỉnh vẫn khá cao.
Với những thay đổi lớn trong nghề nuôi, Sóc Trăng tự tin sẽ đạt và vượt sản lượng tôm nuôi theo kế hoạch – Ảnh: Tích Chu
Từ trung tuần tháng 8 đến nay, giá tôm thẻ cỡ lớn đã tăng trở lại, giúp cải thiện đáng kể mức lợi nhuận của người nuôi tôm. Tôm thẻ loại 20 con/kg từ mức 170.000 đồng/kg hiện tăng lên mức 180.000 – 185.000 đồng/kg. Loại 30 con/kg hiện cũng đang có giá 145.000 – 148.000 đồng/kg. Loại 40 con/kg giá 122.000 – 125.000 đồng/kg; loại 50 con/kg 106.000 – 109.000 đồng/kg. Trái ngược với tôm thẻ cỡ lớn, tôm thẻ cỡ 60 con/kg về nhỏ hiện có giá khá thấp. Cụ thể, loại 60 con/kg giá chỉ 94.000 – 97.000 đồng/kg, loại 70 con/kg giá 91.000 đồng/kg và loại 100 con/kg giá chỉ còn 70.000 – 74.000 đồng/kg. Riêng tại Bạc Liêu và Cà Mau, giá thấp hơn 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
Giải thích về nguyên nhân vì sao giá tôm thẻ cỡ nhỏ không tăng, các doanh nghiệp cho rằng chủ yếu là do sức tiêu thụ từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và tình trạng thiên tai, bão lũ. Một doanh nghiệp cho biết: “Thị trường Trung Quốc chững lại gần như hoàn toàn khi ngoài việc ảnh hưởng dịch Covid-19, họ còn liên tiếp hứng chịu các trận bão, lũ kéo dài từ tháng 6 đến nay, trong khi đây là thị trường tiêu thụ phần lớn tôm thẻ cỡ nhỏ và tôm sú của Việt Nam. Cũng còn một nguyên nhân khác làm giá tôm cỡ nhỏ giảm là do các nhà máy thiếu lao động”.
Trong khi giá tôm cỡ lớn đang tăng thì giá tôm cỡ nhỏ lại giảm khiến người nuôi ngại thả nuôi vụ mới. Ảnh: Tích Chu
Là doanh nghiệp sở hữu vùng nuôi 150 ha, trong đó có 238 ao nuôi theo quy trình hiện đại, nhưng theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, dù đã xử lý nước rất kỹ nhưng dịch bệnh do vi bào tử trùng vẫn xảy ra tại trại nuôi của công ty. Với tình hình trên, ông Phục nhận định: “Bước sang đầu tháng 10, nhiều khả năng giá tôm sẽ tăng lại với 2 lý do: thứ nhất là nguồn cung tôm giảm vì đã vào cuối vụ và áp lực giao hàng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm cao. Những nhà máy có hợp đồng lớn nhiều khả năng sẽ phát sinh thiếu nguyên liệu”. Tình hình thiếu nguyên liệu còn được các doanh nghiệp dự báo sẽ kéo dài sang tận những tháng đầu năm 2021, do hiện tại có rất ít diện tích tiếp tục thả tôm và dự báo thời tiết còn cho thấy mùa lạnh năm nay sẽ đến sớm và nền nhiệt độ thấp hơn, nên việc thả nuôi sớm cũng sẽ rất hạn chế vì rủi ro cao.
Theo Tổng cục Thủy sản, tuy diện tích và sản lượng tôm nước lợ cả nước đến trung tuần tháng 9 đều cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch. Cụ thể, diện tích thả tôm cả nước gần 709.000 ha, bằng 102% cùng kỳ và đạt 97,1% kế hoạch, còn sản lượng tôm gần 556.000 tấn, bằng 103% cùng kỳ nhưng chỉ mới đạt 66,9% kế hoạch. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm thời tiết bắt đầu vào giai đoạn cực đoan: mưa bão nhiều, nhiệt độ, độ mặn giảm… cùng với đó là dịch bệnh đốm trắng và nhất là bệnh do vi bào tử trùng, nên người dân thả nuôi chậm, tình hình thiếu nguyên liệu sẽ xảy ra.
Tại Hội nghị “Đánh giá kết quả và bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng nuôi thủy sản chủ lực ở ĐBSCL” tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 23/9 mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tôm nước lợ, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL trên những sông, kênh lớn có nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào nội đồng để kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo và khuyến cáo tới địa phương, cơ sở nuôi để phục vụ sản xuất. Tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo kịp thời. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ, trong đó coi phòng bệnh là chính thông qua các mô hình, phương thức nuôi phù hợp từng vùng, từng đối tượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh, nhanh hơn việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác… khuyến khích phát triển hình thức liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chứng nhận vùng nguyên liệu đạt an toàn thực phẩm. Áp dụng quy trình nuôi theo 2 – 3 giai đoạn; ứng dụng các mô hình nuôi thành công theo công nghệ mới; thực hiện ương, vèo giống (20 – 25 ngày) để có cỡ giống lớn thả nuôi thương phẩm cho tất cả các hình thức nuôi; quan tâm hơn nữa đối với vùng nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến…