Ngày Xuân kể chuyện làng biển hào sảng đi giữ chủ quyền

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ở miền Trung, làng lặn đêm ở Quảng Ngãi là một nơi mà rất nhiều ngư dân đi bạn mơ tưởng được một lần đến và thử sức. Bởi vì các chủ tàu ở đây khá hào sảng với bạn chài, mỗi phiên biển mang tiền hỗ trợ dầu ra chia hết (mỗi người 5 triệu đồng), ngoài ra còn lì xì thêm vài triệu đồng trước khi đi biển và mỗi phiên lặn biển 20 ngày, có thể có thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng. Ngư dân đến đây đều vui như ngày Tết.

Đầu quân, hứa thưởng

Tại thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có vài ngư dân ở Phú Yên, Khánh Hòa tới tìm tàu đi biển. Khi nghe hỏi “vì sao mà từ trong đó ra tận ngoài này để làm ăn”, ngư dân tên Hải cho biết: “Em đi cả nước, nhưng không nơi nào bằng làng chài ở xã Bình Châu”. Cái độc đáo ở nơi này được anh kể rằng, “đỉnh” nhất là thu nhập. Ở Phú Yên và Khánh Hòa làm biển cả năm cũng chỉ kiếm khá lắm là 70 triệu, nhưng ở làng lặn này, thì có khi trúng mánh có thể kiếm được 40 triệu/phiên, còn bình thường là hơn 20 triệu.

Các ngư dân đi bạn khi tới làng lặn được đãi ngộ bằng bữa nhậu chào bàn. Trong câu chuyện ồn ào, ngư dân thường hay so đo về việc ra Quảng Ngãi làm nghề lặn được chủ tàu bao ăn, ở và còn được lì xì giống như ngày Tết vậy. Ông chủ tàu nào hào phóng, thì rút hầu bao cho ngư dân 3 triệu đồng, nếu ít thì cho 2 triệu đồng. Ở làng chài này, chủ tàu không nói chuyện nghĩa tình bằng miệng, mà bằng cử chỉ và lời nói “cho anh em một chút để uống rượu, mai mốt nhớ xuống tàu ra Hoàng Sa lặn thêm phiên nữa”.

Mỗi chiếc tàu làm nghề lặn đêm ở làng chài Bình Châu mở biển Hoàng Sa cần khoảng 10 ngư dân đi bạn. Bạn chài ở tại địa phương sau vài năm làm ăn hùn tiền để sắm tàu, vì vậy nhiều lao động sau nhiều năm đánh bắt ở Hoàng Sa đã trở thành ông chủ. Nhưng để kiếm đủ bạn chài đi biển, các ông chủ tàu phải thể hiện sự rộng rãi, thoải mái, thì bạn ở các tỉnh, thành khác mới về để đầu quân xuống tàu.

Nhiều ngư dân ra làng biển Quảng Ngãi đi bạn vì có thu nhập cao. Ảnh: Lê Chương

Cứ buổi chiều, trước khi vào phiên lặn ông chủ tàu trẻ tuổi lại hào phóng chiêu đãi anh em một bữa nhạc sàn ầm ĩ. Trên con tàu lênh đênh giữa biển khơi, các ngư dân trẻ ngồi ngóng biển, chờ trời sập tối để vào phiên lặn. Trong ca bin tàu, tiếng nhạc dập dồn vang lên và khó có thể hình dung được, một chiếc tàu lênh đênh trên biển, nhưng không khí trên tàu giống như một khán phòng hòa nhạc. Thể loại nhạc Eurodance, techno, house… không cần nhiều lời, chỉ cần âm thanh, hóa ra lại là thứ âm nhạc được ngư dân yêu thích và thả hồn phiêu diêu, trước khi vào phiên lặn ở giữa vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.

Phiên nào cũng như Tết

Đã vài lần đi tác nghiệp trên tàu đánh cá của ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, tôi ngạc nhiên khi so sánh và nhìn thấy cảnh chủ tàu làm nghề lặn đêm ở Quảng Ngãi khiêng bia xuống tàu. Con tàu làm nghề lặn đêm của ngư dân Nguyễn Hữu Quang ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu chuẩn bị mở biển, người nhà của thuyền trưởng này khiêng xuống tàu 15 thùng bia, loại 450.000 đồng/thùng. “Bia mang lên tàu nhiều và toàn loại bia sang” – các ngư dân đi đánh cá trên các tàu gần đó nhìn sang và so sánh với vẻ thòm thèm.

Ngư dân Nguyễn Mến trên tàu lặn đêm

Ở làng biển chuyên làm nghề lặn ở xã Bình Châu, những chủ tàu làm ăn khá thường đãi ngộ bạn chài như những vị khách quý. Bữa ăn trên tàu khi dọn ra không thua gì bữa cơm thịnh soạn trên đất liền. Ngư dân đi lặn trong bữa cơm nào cũng đánh chén thêm vài lon bia, có người ngồi tâm tình chuyện cuộc đời, lại lôi ra thêm chai rượu ngâm thuốc để bữa nhậu thêm đậm đà. Ông Nguyễn Hữu Quang, thuyền trưởng một tàu làm nghề lặn đêm ở Hoàng Sa cho biết: “Nghề lặn cũng cực, mà vui; khi anh em họ đi theo mình ra vùng biển này có nghĩa là vừa đánh cá, vừa đi khẳng định chủ quyền, nên cứ phải đối đãi với họ thiệt tốt là họ sẽ quay trở lại”.

Tình người bám đảo

Tôi từng tác nghiệp trên nhiều tàu cá làm nghề lưới vây, chụp mực, pha cá cơm, đánh lưới dầm… nhưng đối với ngư dân làm nghề lặn đêm, thì mối quan hệ giữa các bạn chài thể hiện tình cảm gắn bó nhất. Vì sao? Bởi vì ngư dân ra đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam, họ luôn sát cánh để sẵn sàng hỗ trợ nhau, họ luôn nhắc tới cụm từ “ra đây vừa đánh cá vừa giữ đảo, bám biển khẳng định chủ quyền”. Tinh thần đó đã khiến mỗi ngư dân giống như một người lính biên phòng.

Khi đi trên tàu cá làm nghề lưới chụp mực ở cửa biển Mỹ Á, huyện Đức Phổ, một số chủ tàu giấu tọa độ và tôi nghe ông thuyền trưởng càu nhàu với vẻ giận dỗi “Giấu chỗ và ăn hết một mình đi”. Còn trên tàu làm nghề lặn đêm và bám giữ đảo, tất cả các tàu đều nối Icom trực tuyến, tạo thành một cộng đồng chặt chẽ để bảo vệ, hỗ trợ nhau. Chỉ cần chủ tàu thông báo, “Bên này cần thêm cây thuốc lá; cần ít trái cây anh em ơi; bên đó còn bia hay không…?”, thì lập tức được cả cộng đồng bàn tán, biến thành câu chuyện vui và sẵn sàng chia sẻ.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!