Tôm thường xuyên bị nhiễm bệnh; giá đầu vào cao, trong khi giá bán tôm thương phẩm giảm sâu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến người nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An thua lỗ.
Anh Hồ Mậu Toàn – chủ đầm tôm ở xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho hay, nuôi tôm từ năm 2000 đến nay đã 21 năm, nhưng chưa thấy khi nào thua lỗ như 2 năm nay.
Theo anh Toàn, nguyên nhân lỗ là do nguồn nước vào bị ô nhiễm, khiến con tôm thường xuyên bị dịch bệnh, chậm lớn; cùng đó giá đầu vào tăng cao, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá tôm giảm từ 120.000 xuống 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu thua lỗ vì giá tôm giảm sâu. Ảnh: Xuân Hoàng
“Những ao đầm xung quanh bỏ không là do các gia đình đã thu hoạch xong vụ 2, nhưng thua lỗ nên người ta ngừng nuôi. Như các năm trước, thời điểm này bà con tập trung xử lý ao đầm, chuẩn bị nuôi tôm vụ 3, nhưng nay rất ít người đầu tư nuôi”, anh Hồ Mậu Toàn cho hay.
Ông Nguyễn Khắc Trị ở xóm Chí Thành, xã Quỳnh Bảng cho biết thêm: Gia đình ông nhận thầu 1 ha đất nuôi tôm của xã từ năm 2016, trong đó có những năm cho thu lãi khá. Tuy nhiên, 2 năm nay gia đình ông thất bại, bởi tôm thường bị bệnh, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán tôm lại giảm mạnh. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sẽ ảnh hưởng đến giá tôm, do vậy gia đình không dám đầu tư nuôi tôm vụ tới nữa.
Nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu bỏ không sau khi thu hoạch xong tôm vụ 2. Ảnh: Xuân Hoàng
Quỳnh Bảng là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Quỳnh Lưu. Ông Vũ Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng chia sẻ: Không như giai đoạn trước con tôm làm giàu cho người dân, thì nay người nuôi tôm đứng trước nhiều khó khăn. Tính cả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, nhìn chung phần lớn người nuôi tôm trên địa bàn xã đều thua lỗ.
Ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Hiện nay tôm nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm thẻ, loại tôm này nuôi với mật độ cao trong ao đầm. Do vậy để nghề nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả cao, giảm dịch bệnh, người nuôi tôm cần phải thay đổi quy trình nuôi.
Hiện nay phần lớn người nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An quy hoạch ao đầm diện tích quá rộng, khiến việc chăm sóc và quản lý dịch bệnh khó khăn. Ảnh: Xuân Hoàng
Thứ nhất, diện tích ao hiện nay bà con thường chia tỷ lệ 70% và 30%, nghĩa là ao nuôi chiếm 70%, ao chứa 30% là không phù hợp. Cần phải thay đổi là ao nuôi chiếm 30% và ao chứa chiếm 70%, nhằm đảm bảo môi trường cho nguồn nước vào.
Thứ hai, diện tích ao hiện nay bà con thường để quá rộng, trên 2.000 m2 là rất khó khăn trong việc chăm sóc và khó xử lý khi con tôm bị nhiễm bệnh. Do đó, cần quy hoạch ao, hoặc bể nuôi có diện tích dưới 1.000 m2, nhằm thuận lợi trong việc chăm sóc và quản lý dịch bệnh cho tôm.
Thứ 3, trong quá trình nuôi, cần chuyển tôm qua 3 lần ao để tôm phát triển tốt trong môi trường nước mới.
Xuân Hoàng
Nguồn: Báo Nghệ An