(TSVN) – Theo Cục Thống kê Nghệ An, trong tháng 4/2025, nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển khá trên mọi phương diện, trình độ người nuôi được nâng cao, áp dụng công nghệ hiện đại, diện tích nuôi được mở rộng, đối tượng và hình thức nuôi ngày một đa dạng.
Sản lượng nuôi trồng tháng 4/2025 ước đạt 5.314 tấn, tăng 3,57% (+183,2 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá ước đạt 4.576 tấn, tăng 3,53% (+156 tấn); tôm ước đạt 263 tấn, tăng 4,37% (+11 tấn); thủy sản khác ước đạt 475 tấn, tăng 3,49% (+16 tấn). Lũy kế 4 tháng năm 2025 sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 23.888 tấn, tăng 4,36% (+998 tấn) so cùng kỳ năm trước, trong đó: cá ước đạt 21.253 tấn, tăng 4,33% (+883 tấn); tôm ước đạt 645 tấn, tăng 6,26% (+38 tấn); thủy sản khác ước đạt 1.990 tấn, tăng 4,08% (+78 tấn).
Vào mùa hè, người nuôi tôm cần sử dụng lưới che để hạn chế nắng nóng cho tôm. Ảnh: Xuân Hoàng
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển khá trên mọi phương diện, trình độ người nuôi được nâng cao, áp dụng công nghệ hiện đại, diện tích nuôi được mở rộng, đối tượng và hình thức nuôi ngày một đa dạng. Ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm quan trọng cho tiêu thụ trong tỉnh và xuất khẩu mà còn tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đối với ngành tôm, đầu tháng 4 là thời điểm bắt đầu vụ nuôi tôm chính ở Nghệ An. Các địa phương như Quỳnh Lưu, Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai đã sẵn sàng các điều kiện ao, đầm, nguồn nước để thả giống. Nghề nuôi tôm đang trong điều kiện khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, nên ngành thủy sản của địa phương cũng khuyến khích người nuôi thả giống tôm rải vụ, theo hình thức cuốn chiếu để thuận lợi hơn trong quá trình chăm sóc và giảm rủi ro khi dịch bệnh xảy ra.
Mặc dù vậy, tính đến đầu tháng 5, nhiều vùng nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã ghi nhận hiện tượng tôm chết hàng loạt. Cơ quan chuyên môn đã xác định tôm chết là do nhiễm bệnh đốm trắng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quỳnh Lưu, hiện toàn huyện đã thả giống hơn 100 ha trong tổng số 465 ha quy hoạch nuôi tôm cho vụ chính năm 2025. Tuy nhiên, dịch bệnh đã xảy ra tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở xã Quỳnh Bảng. Đây cũng là giai đoạn thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ cao, môi trường nước biến động, sức đề kháng của tôm giảm. Do đó, dịch bệnh có điều kiện phát sinh, lây lan nhanh. Bên cạnh yếu tố thời tiết, một nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát là do người dân không tuân thủ lịch thời vụ thả giống, chưa thực sự chú trọng công tác phòng bệnh khi phần lớn nuôi theo hình thức quảng canh.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khuyến cáo các địa phương tăng cường chỉ đạo, giám sát các vùng nuôi, tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối tránh tình trạng tự xử lý, xả nước ao nuôi khi chưa xác định được nguyên nhân và chưa có biện pháp xử lý đúng kỹ thuật.
Đối với các diện tích đang thả nuôi, người dân cần theo dõi sức khỏe tôm, kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa; bổ sung vitamin, khoáng chất, tăng cường sức đề kháng; rào lưới chắn để ngăn giáp xác xâm nhập, xử lý nước đầu vào cẩn thận; không nên thả giống mới tại khu vực lân cận đang có dịch. Ngoài ra, cần áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học, như nuôi 2 – 3 giai đoạn để giảm nguy cơ lây lan bệnh.
Nếu ao nuôi bị bệnh đốm trắng, cần xử lý bằng các biện pháp như: Không nên đến nơi phát dịch, hạn chế người qua lại các ao tôm; Trường hợp phải vào ao thì cần thay quần áo và lội qua bể nước khử trùng; Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đắp chặt cống cấp và thoát nước; Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của các loại côn trùng vào ao; Hạn chế thay nước ao. Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để điều chỉnh kịp thời như tăng cường quạt khí, xi phông đáy ao, ổn định pH, độ kiềm; Đồng thời, tăng cường bổ sung Vitamin C, men vi sinh, khoáng, thuốc bổ gan, vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.
Thanh Hiếu