Nghề chài lưới trên đầm An Khê

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nằm ngay bên đầm An Khê, bà Phạm Thị Luật (ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) theo cha mẹ gắn bó với nghề chài lưới ngay từ thuở nhỏ. Bước sang tuổi 56, nữ ngư phủ này đã có đến 48 năm lênh đênh đánh lưới, cào hến… trên đầm An Khê.

Cuộc mưu sinh trên đầm An Khê của bà Luật cùng các ngư phủ nơi đây thường bắt đầu từ 7 giờ tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau. Lênh đênh trên đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh, chiếc thuyền dài chỉ 6 m của bà Luật bỗng trở nên bé nhỏ vô cùng. Vào mùa mưa, với bà Luật, mỗi lần đánh bắt cá trên đầm là một cuộc vật lộn cùng sóng nước. Đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng bù lại, vào mùa mưa, lượng hải sản trong đầm khá nhiều, giúp bà Luật thu về từ 500.000 – 700.000 đồng, có khi lên đến 1 triệu đồng sau mỗi đêm chài lưới. Còn vào mùa nắng, khi những mẻ lưới dần nhẹ đi, bà Luật làm thêm nghề cào hến, săn dọp trên đầm. Cứ thế, nhờ nguồn lợi thủy sản phong phú trong đầm An Khê, bà Luật có thu nhập ổn định quanh năm. “Vợ chồng tôi nuôi được 5 con khôn lớn, ăn học thành tài, đều là nhờ vào con cá, con tôm của đầm An Khê này”, bà Luật xúc động.

Những phụ nữ vừa làm người lái đò, vừa là hướng dẫn viên du lịch trên đầm An Khê. Ảnh: Như Đồng

Ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, ngoài bà Luật, còn có gần 40 phụ nữ gắn bó với nghề chài lưới ở đầm An Khê. Hai năm trở lại đây, khi đầm An Khê – địa điểm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, trở thành nơi thu hút du khách gần xa, những phụ nữ này đã nhanh chóng bắt nhịp, vừa làm người lái đò, vừa là hướng dẫn viên du lịch đặc biệt của du khách.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó với nghề chài lưới trên đầm An Khê, bà Nguyễn Thị Xị (56 tuổi), ở thôn Phú Long trở thành người lái đò đáng tin cậy của du khách khi đến tham quan tại đây. Theo bà Xị, 2 năm trở lại đây, đầm An Khê thu hút rất đông khách du lịch, nhất là trong dịp hè. Bình quân mỗi ngày, bà chở từ 5 – 7 lượt đoàn khách tham quan. “Thấy đầm An Khê trở thành địa điểm thu hút khách tham quan, chúng tôi vui và quý trọng lắm! Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi đều hướng dẫn, giới thiệu và đưa du khách tìm hiểu thêm những địa điểm có cảnh sắc đẹp của quê hương như bãi Dừa, lạch An Khê – sông Cửa Lỗ. Chúng tôi mong mọi người khi đến tham quan đầm An Khê đều vui vẻ, hài lòng và sẽ quay trở lại, vậy nên chúng tôi luôn lấy chân tình để đối đãi”, bà Xị chia sẻ.

Kể từ khi đầm An Khê tạo nên được dấu ấn trên “bản đồ” du lịch của tỉnh, các chị em làm nghề chài lưới có thêm nghề mới và thu nhập đáng kể. Theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Long Nguyễn Thị Phít, ngày trước, toàn thôn có gần 100 phụ nữ làm nghề chài lưới trên đầm An Khê. Tuy nhiên, đến nay, cả thôn chỉ còn gần 40 chị em bám nghề. Hai năm trở lại đây, khoảng 10 chị em sống gần đầm An Khê đã nhận chở thêm du khách tham quan. Vào những tháng mùa nắng, nhất là từ tháng 5 – 8, mỗi chị em nhận chở du khách đi tham quan có thêm nguồn thu nhập từ 100.000 – 500.000 đồng/ngày.

>> An Khê là đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347 ha. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất là 4 m, dài khoảng 3,5 km, chiều rộng tầm 1 km nối với biển bằng sông Cửa Lỗ.

Như Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!