Mùa lũ mang đến cho người dân miền Tây nhiều sản vật. Đây cũng là thời điểm nhiều ngành nghề “ăn theo” như: làm khô, làm mắm…
Đủ các loại mắm được bán trong mùa lũ Ảnh: NT
Lâu nay, miền Tây nổi tiếng với nhiều mặt hàng khô như khô cá lóc, cá trê đến cá chạch, cá sặc, khô rắn và khô nhái… Nhưng nếu nói đến làng làm khô nổi tiếng và lâu năm tại huyện An Phú – An Giang nơi đậy tập trung có gần 100 hộ làm khô để phục vụ cho thị trường các tỉnh ĐBSCL và xuất khẩu sang Campuchia.
Bà Trần Thị Lam, ở xã Khánh An, huyện An Phú có gần 20 năm làm cá khô bán cho biết: “Chúng tôi làm khô (chủ yếu là khô cá lóc, cá trê, cá sặc rằng và cá tra) quanh năm chứ không riêng gì mùa lũ. Tuy nhiên, khi mùa lũ đến sản lượng cá nhiều nên giá thành khô bán ra sẽ ổn định và rẻ hơn so với những tháng sau tết. Còn thông thường, vợ chồng tôi tận dụng cá lóc nuôi hầm và mua tại các hộ dân”. Nói về cách làm khô, bà Lam chia sẻ, làm khô trải qua nhiều giai đoạn, quan trọng nhất là công thức chế biến để ướp gia vị lên cá. Phơi cá cũng cần có những ngày nắng chứ nếu gặp mưa thì khô cũng sẽ không được ngon. Gắn bó với nghề đã nhiều năm, mặc dù vất vả nhưng bà không bỏ được vì tình yêu nghề và muốn tạo việc làm, thu nhập cho những lao động nghèo vào mùa nước, bà Lam tâm sự.
Cũng nguyên liệu từ cá, nếu như không làm khô, người dân vùng lũ còn có thể chế biến thành các loại mắm. Bà Nguyễn Thị Lẹ, ở xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu (An Giang) chia sẻ: “Lúc đầu, nước lũ lên cao, lượng thủy sản dồi dào nên chồng tôi thường đi bắt cá đem về cho tôi làm mắm bán. Có thể nói, gia đình tôi làm mắm bán quanh năm; nhưng thông thường, khi vào mùa nước nổi thì các loại mắm trở nên phong phú, đa dạng hơn. Từ mắm cá lóc chưng, mắm cá sặc, cá chốt, cá trắng đến cá mè vinh, mắm ruột và thậm chí cả mắm cá linh… Do đó, năm nào lũ lớn, cá tôm nhiều thì người người đều rất phấn khởi” bà Lẹ nói.