Xung quanh Nghị định số 36/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/4/2014, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Hiệp hội Cá tra Việt Nam tiếp tục có những ý kiến.
VASEP: Nhiều khó khăn
Băn khoăn lớn nhất của VASEP về Nghị định 36, tập trung ở Điều 6, quy định chất lượng sản phẩm cá tra.
Điều 6, khoản 3, điểm a: “Sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định của pháp luật Việt Nam, và phù hợp với quy định của nước nhập khẩu”, theo VASEP, rất khó thực hiện vì hiện tại Việt Nam không có danh mục hóa chất, phụ gia được phép sử dụng, mà chỉ có danh mục hóa chất, phụ gia cấm sử dụng và hạn chế sử dụng. Nên với những chất hạn chế sử dụng thì cần có quy định về hàm lượng cụ thể.
Cũng khoản 3 nhưng ở điểm b: “Tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%”, VASEP khẳng định: Không khả thi và làm khó doanh nghiệp vì một số nước không có quy định về tỷ lệ mạ băng nhưng sẽ có yêu cầu của từng khách hàng cụ thể, do đó không thể áp dụng tỷ lệ 10% này cho các thị trường không hoặc chưa quy định được.
Còn ở điểm c: “Hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm”, VASEP cho rằng: Quy định này không hợp lý, vì hàm lượng nước bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau như con giống, nơi nuôi (nước ngọt và nước lợ), thức ăn thủy sản… Ngoài ra từng thị trường, đối tượng khách hàng cũng có những quy định và yêu cầu riêng. Hiện, vẫn chưa có cơ sở khoa học cũng như cơ sở pháp lý nào để quy định giới hạn của hàm lượng nước trong sản phẩm. VASEP đặt các câu hỏi: Nếu đã áp dụng thì sẽ phải dùng phương pháp kiểm tra nào? Và phương pháp này có được thống nhất/xác nhận với các khách hàng và cơ quan chức năng tại nước nhập khẩu hay không?
Về hiệu lực của Nghị định, Điều 15: “Từ ngày 20/6/2014”, theo VASEP là “quá ngắn, không khả thi. Ít nhất là Nghị định cần phải sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015”.
Sản xuất tự phát nên người nuôi cá tra ngày càng nghèo khổ – Ảnh: An Đăng
Hiệp hội Cá tra: Không thể chần chừ
Những ý kiến của VASEP được ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam sau khi thống nhất với Chủ tịch Nguyễn Việt Thắng, trả lời với Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Đạo luật Nông nghiệp Mỹ khi thực hiện, ông Hồ Văn Vàng thừa nhận có nhiều khó khăn với cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, đây cũng là cơ hội để cá tra Việt Nam tăng giá trị. Ông phân tích: Hiện, thị trường Mỹ chiếm khoảng 20% sản phẩm xuất khẩu cá tra, vậy có thể giảm nuôi lại 20% để ngưng xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Cùng đó, ta tổ chức một hệ thống quản lý nuôi tương tự như Mỹ. Điều này sẽ nâng chất lượng, tạo thương hiệu và sẽ nâng giá bán cao lên. “Quan điểm của tôi thà nuôi ít lại mà nông dân có lời, còn hơn nuôi nhiều mà nông dân lỗ phải chịu nghèo khổ như 2 năm nay”, ông nói.
Những băn khoăn của VASEP muốn kéo lùi các quy định về chất lượng cá tra trong Nghị định 36, ông Hồ Văn Vàng hoàn toàn phản đối.
Điều 6, khoản 3, điểm a quy định về sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, ông nói hiện nay ta đã có đủ. Ông cho biết, có 3 loại danh mục: 1/Hóa chất kháng sinh cấm sử dụng (Thông tư 25/2011/TT-BNN); 2/Hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng, quy định rõ giới hạn tối đa cho phép trong sản phẩm (Thông tư 25/2011/TT-BNN); 3/Danh mục hóa chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, dùng trong chế biến thực phẩm do Bộ Y tế ban hành (Thông tư 65/2009/BYT). Quy định của Việt Nam và quy định của các nước đều dựa vào một tài liệu gốc của ủy ban Codex thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) ban hành.Chế biến cá tra cũng phải thực hiện.
Quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước không vượt quá 83%, ông Hồ Văn Vàng khẳng định “phải thực hiện”. “Hiện nay, một số người thân với tôi ở nước ngoài ăn cá tra Việt Nam cho biết vừa lạt, vừa bở. Chính yếu tố này mà gần đây người tiêu dùng quay lưng với cá tra Việt Nam”, ông Hồ Văn Vàng nói.
Cũng theo ông Hồ Văn Vàng: Ngày 15/5/2014, Hiệp hội Cá tra Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức chương trình thảo luận sản xuất và kinh doanh bền vững, với sự có mặt của hệ thống siêu thị đa quốc gia Aldi, tập đoàn Aldi South có trên 8.000 cửa hàng đang hoạt động trên thế giới. Quan điểm của các giám đốc đại diện của tập đoàn ở 8 quốc gia đều quan tâm chất lượng sản phẩm cá tra là hàng đầu và họ sẵn sàng mua giá cao với sản phẩm có chất lượng.
“Tôi nêu lên đây để minh chứng một điều là người tiêu dùng rất cần sản phẩm có chất lượng. Việc quay tăng trọng bơm nước vào thịt cá tra đã làm xấu đi hình ảnh cá tra Việt Nam. Ngành cá tra đã bị phá sản từ năm 2012 đến nay. Có một số nhà xuất khẩu vì quyền lợi riêng tư tỏ ý không đồng tình ở điều này. Tôi đề nghị quý vị nên dừng lại, vì danh dự quốc gia dân tộc, vì sự phát triển kinh tế đất nước. Đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại về chất lượng cá tra Việt Nam, phải giữ giá trị vốn có của cá tra”, ông Hồ Văn Vàng tha thiết.