Hội thảo vừa được Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng cục thủy sản) tổ chức. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn chủ trì.
Vùng biển Tây Nam bộ Việt Nam và Vịnh Thái Lan là những nơi tập trung nhiều chủng loại cá cơm. Đây là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…
Thu nhập của người làm nghề khai thác cá cơm chưa cao, bền vững – Ảnh: Minh Sáng
Trong chuỗi giá trị, các công đoạn nghiên cứu, phát triển, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm tạo ra giá trị cao và đóng góp nhiều nhất trong việc sinh lợi nhuận cho toàn chuỗi. Tuy nhiên, giá trị này thường nằm ở các doanh nghiệp chế biến, chủ lái, vựa với tiềm lực tài chính mạnh. Bên cạnh đó, nghề khai thác cá cơm có những dấu hiệu phát triển không bền vững, sản lượng có xu hướng giảm. Mặt khác, chúng ta chưa xây dựng được thị trường xuất khẩu vững chắc cho sản phẩm đầu ra. Điều này dẫn đến thu nhập của người làm nghề khai thác cá cơm chưa cao, chưa tạo ra được tiền đề phát triển bền vững.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu đề tài này sẽ là cơ sở để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách xây dựng và đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, xây dựng được mô hình liên kết giữa các khâu trong chuỗi, phân phối hợp lý lợi nhuận giữa các bên tham gia nhằm góp phần bảo vệ bền vững nguồn lợi cá cơm và quảng bá thương hiệu các sản phẩm được chế biến từ cá cơm khai thác ở vùng biển Tây Nam bộ trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế…