Lượng ốc nhồi khai thác ngoài tự nhiên rất ít, không đủ cung cấp cho thị trường. Để có những căn cứ nhằm phát triển ốc nhồi thành đối tượng kinh tế đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cần có nghiên cứu về thức ăn. Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định loại thức ăn phù hợp nuôi ốc nhồi thương phẩm”.
1. Đặt vấn đề
Ốc nhồi (Pila polita) được biết đến là loài động vật thâm mềm đặc hữu của các thủy vực nông, nước ngọt. Trong 100 g ốc nhồi có 77,6 g nước; 11,9 g protid; 7,6 g glucid; 0,7 g lipid; cung cấp khoảng 86 Kcalo [4]. Ngoài ra, ốc nhồi còn rất giàu muối khoáng, đặc biệt là canxi, photpho (1.357 mg canxi, 191 mg photpho/100 g ốc nhồi), các loại vitamin (0,05 mg Vitamin B1; 0,17 mg Vitamin B2 ; 2,2 mg Vitamin PP….)[6]. Vì vậy, ốc nhồi là loại thực phẩm có giá trị, giàu dinh dưỡng.
Lượng ốc nhồi khai thác ngoài tự nhiên rất ít, không đủ cung cấp cho thị trường. Để có những căn cứ nhằm phát triển ốc nhồi thành đối tượng kinh tế đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, cần có nghiên cứu về thức ăn. Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định loại thức ăn phù hợp nuôi ốc nhồi thương phẩm”.
2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Vật liệu
– Đối tượng nghiên cứu: Ốc nhồi cỡ 0,4 g/con (1 tháng tuổi).
2.2. Nội dung nghiên cứu
– Đánh giá sinh trưởng của ốc khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau.
– Đánh giá tỷ lệ sống của ốc khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau.
2.3. Phương pháp bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được phân thành 6 lô, tương ứng với các công thức thức ăn khác nhau, mỗi thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Các lô thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên. Ốc ở các lô thí nghiệm được nuôi cùng mật độ 30 con/bể (40 x 40 x 60 cm). Cho ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn buổi sáng (30%) và tối (70%), xi phông 1 lần/ngày, trước khi cho ăn buổi sáng. Lượng thức ăn được cho ăn ở mức gần nhu cầu, khoảng 3 – 5% khối lượng ốc nuôi. Khối lượng thức ăn hàng ngày ở mỗi ô thí nghiệm được ghi lại để phân tích. Các điều kiện về sinh thái, và biện pháp chăm sóc tương đương.
Các công thức thức ăn như sau:
+ TA 1: Cám gạo
+ TA 2: Cám công nghiệp
+ TA 3: Bèo cái
+ TA 4: (2/3 lượng thức ăn) bèo cái + (1/3 lượng thức ăn) cám công nghiệp (Jumbo)
+ TA 5: (2/3 lương thức ăn) bèo cái + (1/3 lượng thức ăn) cám gạo
+ Sự tăng trưởng của ốc được thể hiện qua các chỉ số: chiều cao vỏ (mm), chiều dài vỏ (mm), khối lượng tươi (g).
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Ảnh hưởng của các loại thức ăn đến sinh trưởng của ốc nhồi
Ốc nhồi khi bố trí thí nghiệm có chiều cao trung bình 2,05 mm/con. Sau 120 ngày thí nghiệm, chiều cao trung bình của ốc đạt 37,1 mm/con. Các loại thức ăn khác nhau cho chiều cao của ốc khác nhau (bảng 3.1).
Qua kết quả bảng 3.1 cho thấy, sinh trưởng tích lũy về chiều cao của ốc khi sử dụng các thức ăn đơn thấp hơn khi ốc sử dụng thức ăn kết hợp, cụ thể:
Chiều cao của ốc đạt cao nhất là 42,27 mm/con khi ốc sử dụng TA4 (bèo cái + Jumbo), tiếp theo là ốc sử dụng TA5 (bèo cái + cám gạo) cho chiều cao tích lũy đạt 39,75 mm/con. Chiều cao tích lũy của ốc khi sử dụng thức ăn là bèo cái và cám Jumbo là tương đương nhau, đạt lần lượt là 34,85 mm/con và 34,52 mm/con. Chiều cao tích lũy của ốc đạt thấp nhất khi sử dụng thức ăn là cám gạo.
Về sinh trưởng tuyệt đối chiều cao của ốc khi sử dụng TA1, TA2, TA3 là 0,27 mm/con/ngày, sinh trưởng tuyệt đối về chiều cao khi sử dụng TA5 đạt 0,31 mm/con/ngày. Chỉ tiêu này cao nhất khi ốc sử dụng TA4 cho kết quả đạt 0,34 mm/con/ngày.
Kết quả trong nghiên cứu này thấp hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thị Đạt [3] khi sử dụng các loại thức ăn khác nhau tốc độ tăng trưởng tuyệt đối của ốc về chiều cao 0,033 – 0,043 cm/ngày.
Tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR) về chiều cao 2,34 – 2,52%/ngày. Trong đó TA4 đạt cao nhất (2,52%/ngày) và TA1 đạt thấp nhất(2,34%/ngày) về chiều cao.
Kết quả bảng 3.2 thể hiện ảnh hưởng của các loại thức ăn đến chiều dài của ốc.
Nhìn vào kết quả bảng 3.2 cho thấy, chiều dài của ốc khi bắt đầu thả đạt 3,12 mm/con sau thời gian 4 tháng nuôi chiều dài tích lũy của ốc 41,03 – 50,35 mm/con. Sinh trưởng tích lũy về chiều dài của ốc giữa các loại thức ăn khác nhau là khác nhau. Sinh trưởng tích lũy về chiều dài cao nhất khi sử dụng TA4 (50,35 mm/con), tiếp theo đến TA5 (47,33 mm/con) và thấp nhất ở 3 thức ăn còn lại là TA1, TA2, TA3 cho sinh trưởng tích lũy về chiều dài đạt tương đương nhau, lần lượt là 41,03 mm/con, 41,57 mm/con và 41,73 mm/con.
Sinh trưởng tuyệt đối về chiều dài của ốc đạt cao hơn so với sinh trưởng tuyệt đối về chiều cao của ốc, sinh trưởng tuyệt đối về chiều dài dao động khoảng 0,34 – 0,42 mm/ngày. Sinh trưởng tuyệt đối về chiều dài của ốc thấp nhất khi sử dụng TA1, tiếp theo là TA2, TA3, TA5 và đạt cao nhất khi sử dụng TA4. Tương tự như sinh trưởng tuyệt đối về chiều dài của ốc, sinh trưởng tương đối %/ngày của ốc cũng đạt cao nhất khi sử dụng công TA4 (2,37%/ngày), tiếp theo là TA4 cho sinh trưởng tương đối đạt 2,32%/ngày, đạt thấp nhất tại TA3 (2,22%/ngày), TA2 (2,22%/ngày), TA1(2,21%/ngày)
Việc đánh giá ảnh hưởng của các loại thức ăn đến khối lượng của ốc là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của việc nuôi. Giống như sinh trưởng về chiều dài và chiều cao của ốc, sinh trưởng về khối lượng của ốc cũng cho kết quả tương tự về ảnh hưởng của các loại thức ăn, được thể hiện qua bảng 3.3. Qua kết quả ở bảng 3.3, cho thấy khối lượng ốc tại thời điểm thả đạt 0,37 g/con, sau 4 tháng nuôi khối lượng ốc đạt trung bình 24,76 g/con.
Sinh trưởng tích lũy về khối lượng của ốc đạt cao nhất khi sử dụng TA4 (31,15 g/con), tiếp theo TA5 cho sinh trưởng tích lũy về khối lượng đạt 26,87 g/con, thấp nhất là sinh trưởng tích lũy của ốc khi ốc sử dụng TA1, TA2, TA3.
Sinh trưởng tuyệt đối g/ngày của ốc đạt cao nhất khi sử dụng TA4 là 0,26 g/ngày, tiếp theo là 0,22 g/ngày khi ốc sử dụng TA5, thấp nhất đạt 0,18 g/ngày khi sử dụng TA1, TA2, TA3. Kết quả của đề tài về sinh trưởng tuyệt đối khối lượng ốc tương tự với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Đạt khi nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn và mật độ đến sinh trưởng tuyệt đối của ốc. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Đạt, sinh trưởng tuyệt đối của ốc cũng 0,19 – 0,26 g/con/ngày [3].
Sau 120 ngày nuôi, ốc nhồi nuôi bằng TA4 cho tỷ lệ sống tương đương với ốc nuôi bằng TA3, TA5, lần lượt là 75,56%, 72,22% và 72,22%; tiếp theo là tỷ lệ sống của ốc khi nuôi bằng TA2 (68,89%) thấp hơn tỷ lệ sống của ốc nuôi bằng TA4 nhưng không có sự khác biệt với tỷ lệ sống của ốc nuôi bằng TA3, TA5, tỷ lệ sống của ốc đạt thấp nhất là 65,55% khi nuôi bằng TA1.
Tỷ lệ thịt ốc ở các nghiệm thức nuôi được thể hiện qua bảng 3.4. Tỷ lệ thịt ốc ở các nghiệm thức nuôi dao động trong khoảng 57,96 – 70,63%. Kết quả kiểm tra sau 120 ngày nuôi cho thấy, ốc nuôi bằng TA4 cho tỷ lệ thịt ốc đạt cao nhất (70,63%), tỷ lệ thịt ốc thấp nhất khi nuôi bằng TA3 đạt 57,96%.
Do thí nghiệm tiến hành trên quy mô nhỏ nên hạch toán kinh tế chưa tính hết được nhân công lao động và khấu hao cơ sở vật chất, lợi nhuận tạm tính trên 1 kg ốc thương phẩm thông qua giá bán thương phẩm và tiền đầu tư thức ăn, con giống. Qua bảng 3.5, cho thấy nuôi ốc bằng TA4 cho hiệu quả kinh tế cao nhất, lãi 31.500 đồng/kg ốc, tiếp theo là TA5 cho lãi 24.700 đồng/kg ốc, TA3 cho lãi là 13.800 đồng/kg ốc, TA1 và TA2 cho lãi lần lượt là 3.000 đồng/kg và 4.000 đồng/kg. Như vậy, có thể thấy khi nuôi ốc sử dụng thức ăn kết hợp giữa bèo và cám công nghiệp hoặc cám gạo (TA4, TA5) cho hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc sử dụng thức ăn đơn, đặc biệt là thức ăn đơn là các loại cám. Sử dụng thức ăn đơn là bèo cho lợi nhuận tương đối cao do, khi sử dụng thức ăn này người nuôi mất ít tiền đầu tư thức ăn.
3.2. Kết luận
– Thức ăn kết hợp giữa bèo và cám Jumbo cho các chỉ tiêu về sinh trưởng của ốc đạt cao nhất, sinh trưởng tích lũy về khối lượng 31,15 g/con, sinh trưởng chiều dài 50,35 mm/con và chiều cao 42,27 mm/con…
– Thức ăn kết hợp giữa bèo và cám gạo cho các chi tiêu về sinh trưởng ốc đứng thứ 2 với sinh trưởng khối lượng đạt 26,87 g/con, sinh trưởng chiều dài 47,33 mm/con, sinh trưởng chiều cao 39,75 mm/con.
– Các thức ăn đơn cám gạo, cám công nghiệp và bèo, cho các chỉ tiêu về sinh trưởng của ốc thấp nhất.
– Tỷ lệ sống ốc nhồi nuôi bằng TA4, TA3, TA5 đạt tương đương nhau lần lượt là 75,56%, 72,22% và 72,22%; tỷ lệ sống của ốc đạt thấp nhất là 65,55% khi nuôi bằng TA1.
– Tỷ lệ thịt ốc nuôi bằng TA4 cho tỷ lệ thịt đạt cao nhất (70,63%), tỷ lệ thịt ốc thấp nhất khi nuôi bằng TA3 đạt 57,96%.
– Nuôi ốc bằng TA4 cho hiệu quả kinh tế cao nhất, lãi 31.500 đồng/kg ốc, tiếp theo là TA5 cho lãi 24.700 đồng/kg ốc, TA3 cho lãi là 13.800 đồng/kg ốc, TA1 và TA2 cho lãi lần lượt là 3.000 đồng/kg và 4.000 đồng/kg…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu trong nước
1. Thái Trần Bái, Nguyễn Văn Khang, 1998. Động vật học không xương sống. NXB Giáo dục, tr: 170-208.
2. Võ Xuân Chu, 2011. Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm sinh sản ốc nhồi Pila polita tại Đăk Lăk. Luận văn thạc sỹ. Đại học Tây Nguyên, 66 tr.
3. Nguyễn Thị Đạt, 2010. Ảnh hưởng của mật độ và một số loại thức ăn lên sinh trưởng và tỷ lệ sống của ốc nhồi (Pila polita Deshayes,1830) trong nuôi thương phẩm. Luận văn thạc sỹ. Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
4. Đặng Ngọc Thanh và Trương Quang Học (2001) Hướng dẫn thực tập động vật không xương sống. NXB Giáo dục
5. http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Da-co-mot-the-he-oc-buou-vang-lai/40011565/188/
Tài liệu nước ngoài
6. Burch J.B. , Upatham E.S. 1989. Medically important mollusks of Thailand. J Med ppl Malacol; Proc. International Kuril Island Project (IKIP), PP: 1÷9.
7. Dillon R.T. (2000), The ecology of freshwater molluscs. Cambridge, UK: Cambridge University Press, 509 pp.