T2, 06/07/2020 10:10

Ngư dân mùa biển động

Chưa có đánh giá về bài viết

“Trước đây, mùa mưa bão, ngư dân neo tàu tại bến nghỉ dài dài, còn nay vẫn vươn khơi. Thông tin liên lạc thông suốt, tin báo bão kịp thời, mình biết và chủ động đối phó. Vươn khơi trên tàu công suất lớn, hơn nữa mùa gió bão cá nhiều, đánh bắt rất hiệu quả, không bám biển cũng uổng”, ông Lê Văn Ninh, thuyền trưởng tàu ĐNa 90072 đã nói như vậy.

47 tuổi, hơn 30 năm bám biển, ông Lê Văn Ninh ở tổ 85 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, quá dạn dày sóng gió. Theo ông, hơn chục năm trước, khi trên tàu chưa có máy ICOM, tàu công suất nhỏ, mỗi khi ra biển vào mùa mưa bão là “hồn treo cột buồm”. Còn nay bám biển trên tàu công suất lớn, đầy đủ máy móc hiện đại, mọi người đều yên tâm. Hễ bão hay áp thấp nhiệt đới vừa hình thành, thuyền trưởng nắm được ngay, chủ động cho tàu chạy tránh trú an toàn. Ngoài 2 neo chắc chắn, tàu đánh bắt xa bờ có 2 dù lớn, nhiều đệm va, thùng phuy chống bão. Máy tàu công suất lớn, chất lượng tốt, ít khi bị hư hỏng. Ông cho biết thêm, chuyến mới nhất trở về sau bão số 8 trúng đậm, với 20 tấn cá chất lượng cao. Chuyến đó, ông có trong tay hơn 300 triệu đồng, ngư dân mỗi người 20 triệu. Nghỉ ngơi ít ngày, thời tiết khá yên, tàu ĐNa 90072 đã ra khơi.

Trang bị phao cứu sinh cho ngư dân. 

Trang bị phao cứu sinh cho ngư dân.

Thuyền trưởng tàu ĐNa 90235 TS Trương Văn Hay ở tổ 36 phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê không còn ngần ngại khi bám biển vào mùa mưa bão. Lão ngư hơn 30 năm bám biển này vẫn coi mùa mưa bão là mùa làm ăn, bởi chuyến nào cũng trúng đậm. Bài học ông đúc kết từ nhiều năm nay là trước khi ra biển, khâu đặc biệt quan trọng là kiểm tra máy móc thật chu đáo, thùng đựng dầu súc rửa cận thận. Theo ông, một số tàu hay bị chết máy khi gặp sóng to gió lớn, chủ yếu thùng đựng dầu nhiều cặn bẩn. Khi sóng yên biển lặng, cặn bẩn nằm ở đáy thùng. Lúc sóng to gió lớn, tàu lắc lư, cặn bẩn hòa vào dầu làm nghẹt bơm cao áp, dẫn đến chết máy. Trên tàu phải có 2 máy ICOM hoạt động tốt và liên lạc thường xuyên về đất liền. Hễ nghe tin bão là khẩn trương chạy vào bờ hoặc tránh xa khu vực ảnh hưởng của bão. Ông cho biết, có chuyến vừa ra đến ngư trường cách bờ hơn 200 hải lý, nghe tin bão, tiếc công, tiếc của, một số ngư dân khuyên ở lại đánh bắt, nhưng ông kiên quyết chịu lỗ phí tổn cả trăm triệu đồng cho tàu chạy về đất liền. Ông Hay cho biết thêm, thu nhập quan trọng, song sự an toàn của người và phương tiện còn quan trọng gấp bội lần. Trước đây, mùa này ngư dân nghỉ ngơi, mấy năm gần đây vẫn bám biển liên tục. Cả 2 chuyến gần đây trúng đậm nhất trong số 10 chuyến từ đầu năm đến nay, chuyến nào cũng thu trên dưới 20 tấn cá.

Rủi ro mới nhất của hoạt động đánh bắt hải sản ở Đà Nẵng là trường hợp ngư dân Nguyễn Văn Tiến (1973) ở tổ 15 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, làm việc trên tàu ĐNa 90152  rơi xuống biển mất tích vào ngày 25-9. Ông Trần Văn Vốn, thuyền trưởng tàu ĐNa 90152 loại 450 CV, hành nghề lưới vây, cho biết: Hôm đó là ban ngày, có thể do đi lại bị vấp ngã, ông Tiến rơi xuống biển. Khi rơi không ai nhìn thấy, nhưng chỉ vài phút sau thấy ông đang ngụp lặn dưới nước. Đáng tiếc, ông ấy rơi vào phía dưới lưới đang vây bắt cá, nên anh em trên tàu đành bất lực. Chỉ trong chốc lát, ông đã bị lưới chà lên và chìm hẳn. Qua trường hợp đau lòng này, ông Vốn cho rằng, mọi hoạt động trên tàu, ngư dân đều phải thật sự cẩn trọng. Khi sóng to gió lớn, tàu lắc lư, sơ sểnh là rơi xuống biển. Mặc áo phao có vướng víu, khó chịu, song vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, thuyền trưởng phải thường xuyên quán xuyến, theo dõi sinh hoạt, làm việc của mọi người và nhắc nhở họ cẩn thận.

An toàn khi sản xuất trên biển là vấn đề được cơ quan chức năng và chính ngư dân cùng gia đình họ đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư không nhỏ cho lĩnh vực này bằng việc trang bị hàng nghìn phao, áo phao cứu sinh, hàng trăm máy móc chuyên dụng lắp đặt trên tàu. Với ngư dân, bên cạnh đổi mới tàu công suất lớn, họ đã triển khai khá thành công các phương án phòng chống bão, trong đó việc chủ động cho tàu về nơi tránh trú an toàn khi nhận tin bão luôn là quan trọng nhất. Cũng từ đó, mùa mưa bão không còn là nỗi ám ảnh của ngư dân, trái lại đã và đang là mùa làm ăn hiệu quả.

Nguyễn Cầu

Báo Đà Nẵng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!