(TSVN) – “Thông báo cho QNg 90045 TS, mười ngày nữa mới có gió ở 114 độ kinh đông, qua Philippines”, tiếng một người gác đài Icom cộng đồng ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vang lên trên tàu cá của ông Đặng Tự. Khi phóng viên hỏi về việc tại sao nhận được thông tin sớm đến vậy thì các ngư dân chia sẻ, đó là nắm tin từ Đài khí tượng thủy văn Nhật Bản, Mỹ và Philippines. Phần lớn ngư dân ở miền Trung hiện nay chủ động nắm bắt thông tin thời tiết từ các kênh nước ngoài, bên cạnh kênh của Việt Nam.
Trong những chuyến tác nghiệp trên tàu đánh cá cùng ngư dân, cứ 16 giờ chiều, hoặc 7 giờ 30 phút sáng thì trên cabin dồn dập thông tin từ đất liền báo ra. “Ngày mấy có gió? Khu vực nào có gió mùa? Có bão khoảng bao lâu nữa…?”. Mỗi khi đài Icom từ đất liền bàn chuyện thời tiết thì không gian trên con tàu đều im phăng phắc. Tất cả mọi người dồn sự chú ý vào chiếc máy Icom treo trên nóc cabin. Cụm từ “biển động, áp thấp nhiệt đới, gió từ hướng Philippines” luôn gây ra sự chú ý cao độ. Nếu khi nhận được thông tin có áp thấp nhiệt đới thì hết phiên liên lạc với đất liền thì đến phiên bàn luận, hội ý giữa các tàu cá.
Sau khi nghe thông tin khoảng 10 ngày tới sẽ có gió mạnh, biển động cấp 7 cấp 8 thì các ngư dân lại quay sang điện đàm cho các thuyền trưởng tàu đánh cá neo ở gần đó để thống nhất, khớp nối thông tin. Bởi vì những đài canh cộng đồng từ đất liền dồn dập thông báo tình hình thời tiết ra biển cho ngư dân, có người nắm thông tin thời tiết từ kênh Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương; có người nắm thông tin từ Đài Hải quân Mỹ, Đài khí tượng thủy văn Nhật Bản, Philippines.
Ngư dân thường không có trình độ ngoại ngữ, vậy thì làm sao có thể nắm bắt và chuyển hóa, dịch nghĩa thông tin về tình hình thời tiết từ các đài nước ngoài? Việc nắm bắt thông tin từ các đài này trong thời gian qua có sát với tình hình thời tiết trên biển Đông hay không? Ông Huỳnh Văn Minh, cán bộ nghiệp đoàn nghề cá xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, cho biết vài năm trở lại đây, phần lớn các đài canh cộng đồng đã chủ động tham khảo thêm thông tin từ các đài nước ngoài, thông tin chính xác và cảnh báo rất sớm là Đài Hải quân Mỹ, Nhật Bản.
Để hiểu rõ hơn việc ngư dân nắm thông tin từ các đài nước ngoài, tôi thường dõi theo một số đài canh cộng đồng ở nhiều địa phương khác nhau ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định để hiểu về cách nắm bắt thời tiết. Ông Thành, một ngư dân ở cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định mở cho tôi xem thông tin mà ông thường báo cho ngư dân ngoài biển, đó là đường dẫn của Đài Hải quân Hoa Kỳ được gắn trên website của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định.
Chị Lương Thị Hồng Lan, người từng gác đài Icom cộng đồng tại thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – một trong những đài canh cộng đồng nổi tiếng trong nhiều năm. Ông Nguyễn Hữu Ngọt, phụ trách nghiệp đoàn nghề cá của địa phương này cũng chia sẻ việc ngư dân nắm bắt thông tin cảnh báo sớm đều tham khảo từ các kênh của Mỹ, Nhật Bản, Philippines.
Chị Lương Thị Hồng Lan, người từng tham khảo thông tin thời tiết từ các trang của nước ngoài và Việt Nam để gửi đi cảnh báo sớm cho ngư dân. Ảnh: Văn Chương
Phóng viên tìm đến nhà chị và chứng kiến chị đang dừng công việc may mặc, mở laptop tra cứu thông tin từ Đài Hải quân Mỹ. Trên website này có nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Người tìm kiếm thông tin sẽ nhấn vào các biểu tượng khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Biển Đông, Đại Tây Dương…Tấm bản đồ điện tử hiển thị chi tiết các kinh độ, vĩ độ, tình hình mây, mưa, gió. Do hình ảnh trực quan, có các công cụ để hỗ trợ việc rà thông tin, ứng với mốc thời gian, vì vậy người tra cứu rất dễ tìm được thông tin cần thiết.
Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ cho biết, trong khoảng 4 năm trở lại đây, anh em phụ trách đài Icom cộng đồng đã nắm bắt thông tin từ Đài Hải quân Mỹ và Nhật Bản. Thời gian trước đây, phần lớn các ngư dân khi lớn tuổi thì về gác đài canh Icom và thường nắm tình hình thời tiết từ Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương của Việt Nam. Nhưng con của các ngư dân có trình độ nên đã tìm cách tiếp cận thông tin sớm từ các đài nước ngoài, sau đó hướng dẫn lại cho gia đình. Hiện nay, ngư dân đánh bắt xa bờ đã nắm được tình hình bão trước gần nửa tháng. Vì vậy, ngư dân chỉ cần chuẩn bị tư thế, tàu được trang bị tốt, sau đó chủ động chạy né vùng ảnh hưởng của bão nếu tàu mới ra đánh bắt chưa đủ phí tổn. Đối với tàu đánh cá đã gần đủ phí tổn thì tranh thủ đánh bắt nhanh để quay về đất liền.
Siêu bão Rai vào giữa tháng 12/2021 vừa qua, là một minh chứng cho thấy ngư dân đã tổ chức khảo sát thông tin từ các kênh nước ngoài, sau đó cảnh báo sớm, chạy né bão, quay về đất liền, dừng chuyến biển, chuyển khu vực đánh bắt… Siêu bão Rai giật cấp 17 đi vào Biển Đông ngày 18/12, Trước đó, từ ngày 8/12, các đài canh ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi đã dồn dập thông tin về một cơn bão cực lớn sẽ đi qua Philippines vào Biển Đông và có thể cắt qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Lập tức đoàn tàu đánh cá của ngư dân bắt đầu tính toán để đánh cá kịp sản lượng rồi quay về đất liền.
Ngư dân đánh bắt trên biển thường tiếp nhận thông tin do các đài canh cộng đồng tổng hợp từ các kênh dự báo thời tiết trong và ngoài nước. Ảnh: Văn Chương
Tại đài Icom của chị Trần Thị Ẩm, tiếng các ngư dân Trần Hải, Trần Văn Xin bàn về việc sẽ chạy né bão và cho tàu đi ra mãi tọa độ 18 độ, 63 phút vĩ độ bắc – 117 độ 30 phút kinh độ đông nơi “eo” bão Rai sẽ đi qua. Theo các ngư dân, việc né bão ở ngay eo bão thì phải là những người có kiến thức, nắm bắt tốt về thời tiết từ các kênh Việt Nam, Mỹ, Nhật, Philippines; tàu cá có sức chịu đựng tốt thì mới cho tàu đi né bão, thay vì trở về đất liền và chịu lỗ phí tổn lên tới cả trăm triệu đồng.
Đến chiều ngày 18/12, khi siêu bão Rai áp sát bờ, có 11 tàu cá với hơn 100 ngư dân xã Nghĩa An vẫn bám biển và dạt ra khỏi vùng ảnh hưởng mạnh nhất của bão. Khi trở về đất liền, các ngư dân cho biết, nếu không theo sát được tin tức, nắm bắt và tổng hợp đầy đủ từ các kênh của Việt Nam cho tới kênh của Mỹ, Nhật Bản, Philippines thì ngư dân không dám chạy né bão như vậy.
Lê Văn Chương