Quảng Bình có chiều dài bờ biển hơn 116 km, với năm cửa sông thuận lợi cho việc khai thác hải sản. Trong những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, ngư dân Quảng Bình đã nỗ lực vượt khó, bám biển làm giàu cho gia đình và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ra biển trên những con tàu lớn
Trung tuần tháng 10, chúng tôi có dịp về xã Ðức Trạch, huyện Bố Trạch là một trong ba xã nghề biển nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình. Chủ tịch UBND xã Hồ Ðăng Chiến đón chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt rồi vào việc luôn. Ðồng chí cho biết toàn xã có gần 500 tàu, thuyền, trong đó 267 chiếc tàu xa bờ, có những chiếc hơn 400 CV có thể đến được những vùng biển xa. Ðức Trạch xa cửa sông, cửa lạch nên sau những chuyến biển, ngư dân vào neo tàu ở các tỉnh bạn. Ðể có những chuyến ra khơi, ngư dân không trực tiếp xuống tàu mà phải lên ô-tô vượt gần 300 km đến Ðà Nẵng rồi mới dong tàu tiến ra các ngư trường khơi xa. Xã Ðức Trạch có 7.120 hộ thì gần 70% trong số đó sống bằng nghề biển. Ðội tàu xa bờ của xã ngoài việc giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, còn tạo công ăn việc làm cho hơn 500 “bạn thuyền” là lao động ở các xã nông nghiệp lân cận Phú Trạch, Ðồng Trạch và Sơn Lộc. Trên tàu cá có các thiết bị như bộ đàm, máy Icom, thiết bị GPRS định vị, máy dò cá… nên việc thông tin giữa các tàu với nhau và với đất liền thuận lợi hơn. Chín tháng đầu năm 2012, Ðức Trạch khai thác 6.320 tấn hải sản, trong đó 75% sản lượng phục vụ xuất khẩu. Thu nhập bình quân của ngư dân đạt hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, đời sống nhân dân được nâng lên, hàng chục gia đình đã xây được nhà hai tầng. Bộ mặt làng biển nay đã khởi sắc.
Cùng với Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðức Trạch Trương Công Hoạt, chúng tôi đến thăm gia đình ngư dân tiêu biểu Nguyễn Văn Vọ ở thôn Thượng Ðức. Ðây là ngư dân vừa được Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch tặng thưởng vì thành tích cứu nạn một tàu cá cùng địa phương sau ba ngày mất tích. Ðược biết đội tàu của đại gia đình ông Nguyễn Văn Vọ được xếp hàng đầu bảng tại Quảng Bình. Cả mấy bố con là một tổ đoàn kết, dưới sự dẫn dắt của ông, người gần 50 năm đi biển.
Ngư dân lão luyện Nguyễn Văn Vọ tâm sự, từ biển Cô Tô đến biển Ninh Thuận, chưa nơi nào mà ông không dong thuyền tới. Xưa trên chiếc thuyền nhỏ, ông đi trong gian nan và giông bão, nay đã có những con tàu 400 CV đánh bắt dài ngày trên biển. Hiện ông có đội tàu hùng hậu với sáu chiếc, trị giá hơn 12 tỷ đồng. Ông làm chủ một tàu, năm tàu còn lại cho năm người con, trong đó có hai con gái. Ngoài sáu lao động chính trong đại gia đình cũng là sáu thuyền trưởng, ông còn giải quyết việc làm cho 45 người ở các xã bạn. Cả sáu con tàu của ông đều đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, rồi neo đậu tại Ðà Nẵng. Hôm chúng tôi đến, bố con ông và bạn thuyền vừa mới đón xe về Ðức Trạch nghỉ giữa lúc trăng sáng. Ðang vui chuyện, ông kéo chúng tôi ra đường chỉ vào ngôi nhà tầng đang xây dở giới thiệu là nhà của anh con trai áp út. Năm con, năm chiếc tàu tiền tỷ và ba ngôi nhà hai tầng, hai ngôi nhà xây khang trang.
Cá về cảng cá sông Gianh (Quảng Bình)
Rời Ðức Trạch, chúng tôi đến xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch để gặp Nguyễn Văn Nam – ngư dân trẻ tiêu biểu trong phong trào ngư dân bám biển làm giàu của Quảng Bình. Nguyễn Văn Nam vừa trở về sau chuyến biển 10 ngày. Hai tàu của anh thu được hơn 460 triệu đồng, một kết quả đánh bắt thuận lợi trong vụ cá bắc năm nay. Ở tuổi 32, Nam đã làm chủ hai tàu lớn (mỗi chiếc công suất 380 CV), doanh thu mỗi năm 4,8 tỷ đồng. Nam tâm sự: “Cảnh Dương là xã biển, chỉ có bám biển mới phát triển kinh tế gia đình được. Nghĩ vậy nên tôi quyết định vay vốn ngân hàng sắm thuyền máy, ngư lưới cụ. Năm đầu tiên tôi vay 200 triệu đồng để mua tàu, khai thác các loại hải sản có giá trị, nhờ vậy không chỉ đủ ăn mà còn tích lũy để trả nợ. Năm 2010 tôi đóng mới tàu 380 CV, sau hơn 30 chuyến biển có lãi 600 triệu đồng. Theo đà thuận lợi đó, đầu năm 2011, tôi vay tiếp vốn đóng thêm một tàu lớn trị giá 1,2 tỷ đồng để cùng vươn khơi”. Mỗi năm doanh thu của Nam khoảng 4,7- 4,8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 17 lao động với mức thu nhập bình quân tám triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình anh lãi gần một tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Ðồng Vinh Quang cho biết, toàn xã có 386 tàu, thuyền với tổng công suất hơn 40.000 CV, trong đó có 105 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ, thu hút 1.500 lao động tham gia nghề biển. Xã xây dựng bốn tổ hợp tác với 276 tàu và 32 tổ đoàn kết trên biển, quy hoạch khu dịch vụ hậu cần nghề cá với 59 tổ như chế biến hải sản, cơ khí, đóng tàu thuyền, đá, xăng, dầu thu hút 459 lao động tham gia. Thu nhập bình quân của mỗi lao động nghề biển khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, nhiều tổ đoàn kết đạt từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Từ một xã nghèo, đến nay Cảnh Dương chỉ còn 6,8% hộ nghèo, 700 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Hỗ trợ ngư dân phát triển nghề biển bền vững
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình, đến nay toàn tỉnh có 4.987 chiếc tàu, thuyền, chiếm hơn 19% số tàu, thuyền vùng bắc Trung Bộ. Trong đó có gần 1.000 tàu xa bờ, nhiều tàu công suất 350- 450 CV được đầu tư thiết bị hiện đại. Năm 2011, sản lượng khai thác của tỉnh đạt 42.832 tấn, chiếm hơn 16% sản lượng vùng bắc Trung Bộ. Chín tháng năm 2012, sản lượng đạt hơn 44.200 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Kinh tế biển góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là đã tạo việc làm, ổn định đời sống cho 11.510 hộ ngư dân với 19.578 lao động làm nghề biển, chiếm 7,6% số dân toàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển đến năm 2020”, Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng Chương trình hành động, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền năm trong số bảy huyện, thành phố có biển thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế biển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân cho biết, tỉnh chủ trương không hỗ trợ dàn trải mà chỉ tập trung vào những tàu cá đánh bắt ở các vùng biển xa. Ðể bảo đảm việc hỗ trợ “đúng tàu, đúng chủ”, các đơn vị quản lý và địa phương nghề cá rà soát danh sách đăng ký để tránh xảy ra tình trạng ngư dân lắp máy xong mà không ra vùng biển xa, làm giảm ý nghĩa và hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ này. Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Trần Ðình Du, hỗ trợ ngư dân ra vùng biển xa thì ngoài việc tuyên truyền cho ngư dân nắm được toàn bộ ngư trường, thiết bị khai thác, kỹ năng khai thác còn phải thông báo, hướng dẫn cho ngư dân biết được cơ bản các quy định về hàng hải về đối ngoại trên biển.
Ðến nay, UBND tỉnh Quảng Bình tạm ứng cho ngư dân gần 4,1 tỷ đồng để lắp đặt các đài hữu tuyến trên tàu và hỗ trợ hơn 51,7 tỷ đồng theo Quyết định số 48/QÐ-TTg. Tỉnh đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng khu neo đậu tránh trú bão sông Ròn. Từ đó, tạo điều kiện cho ngư dân giải quyết khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, tiếp tục bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác. Các tổ chức Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, tín chấp cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân để đóng mới tàu, mua ngư lưới cụ với số tiền chục tỷ đồng mỗi năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân sử dụng máy dò ngang đạt hiệu quả cao, chuyển giao kỹ thuật khai thác mực nang bằng luới rê ba lớp, vây rút chì và rê cá hố…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ngư dân là thiếu vốn để đóng tàu. Với thời giá hiện nay, đóng mới một chiếc tàu công suất lớn phải mất từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Bên bãi đóng tàu của xã Ðức Trạch, vợ chồng ngư dân Phan Thất Long và Nguyễn Thị Quyên – chủ con tàu 420 CV đang được đóng mới – trò chuyện cùng chúng tôi. Chị Quyên nói: “Ðóng xong con tàu hết 1,8 tỷ đồng, gia đình phải mượn cầm cố ba “sổ đỏ” mới đủ, trong khi đó vốn vay ưu đãi chỉ được 300 triệu đồng. Ngư dân mong muốn Nhà nước tăng thêm nguồn vốn ưu đãi để giảm bớt khó khăn, có thêm nhiều tàu lớn vươn ra ngư trường xa”.
Còn ngư dân Nguyễn Văn Tuấn ở Cảnh Dương cho rằng, hiện do ngư dân còn dè dặt và thiếu tự tin trong việc đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào khai thác hải sản. Vì vậy Nhà nước cần hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân lắp đặt, sử dụng các thiết bị hiện đại phục vụ khai thác. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư các công trình dịch vụ hậu cần để thuận lợi hơn cho ngư dân trong tiêu thụ sản phẩm và neo đậu tàu, thuyền phòng tránh thiên tai.