Người nuôi và doanh nghiệp cùng “khóc”

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá cá đang diễn biến phức tạp theo hướng xấu, cộng với tốc độ tăng giá thức ăn thủy sản khiến người nuôi tiếp tục thua lỗ. Nhà máy chế biến gặp khó vì thiếu nguyên liệu trầm trọng do đói vốn sản xuất và thu hẹp thị trường.

Người nuôi thua lỗ

Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, chỉ trong 9 tháng, giá cá đã 3 lần trồi sụt ngoài dự báo. Nếu 3 tháng đầu năm giá cá nguyên liệu cao (26.500 – 28.500 đồng/kg), đa số người nuôi có lãi, thì từ tháng 4 đến tháng 8, giá cá tra liên tục giảm mạnh, còn 22.000 – 23.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm, giá cá tra ở dưới ngưỡng 20.000 đồng/kg. Từ tháng 9 đến nay, giá cá đã tăng lại khoảng 22.000 – 23.500 đồng/kg nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng giá thức ăn thủy sản (tăng 500 – 600 đồng/kg). Trong khi đó, chất lượng thức ăn thủy sản có dấu hiệu không đạt chuẩn công bố, làm tăng chi phí và thời gian nuôi kéo dài, khiến người nuôi vẫn lỗ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Lãi suất ngân hàng cao, trong khi phần lớn nông dân không còn vốn để tái đầu tư.

Theo tính toán, để nuôi 1 ha cá tra, riêng vốn cá giống đã khoảng 1,4 tỷ đồng; nuôi 8 – 10 tháng mới thu hoạch, nhưng mức cho vay với nông dân rất hạn chế. Việc vay vốn đang chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhưng vốn vay ngân hàng rất hạn chế. Trong khi đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ lại khó tiếp cận vì không còn tài sản thế chấp; đồng nghĩa hàng ngàn ao nuôi tiếp tục “treo”.

 

Doanh nghiệp lao đao

Dự báo, thời gian tới, khả năng tăng giá cá nguyên liệu là rất thấp, thậm chí ẩn chứa nguy cơ cao do doanh nghiệp gặp khó về thị trường, nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Hiện chỉ có 20% doanh nghiệp chế biến cá tra tồn tại và phát triển tốt – Ảnh: Minh Sáng

Hiện, giá bán cá tra giảm mạnh không phải do lượng cá trong dân còn nhiều mà do doanh nghiệp đang khó khăn về vốn. Ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch VASEP cho biết, giá cá tra rẻ hơn giá thành nhưng doanh nghiệp không có tiền mua. Hiện chỉ có 20% doanh nghiệp tồn tại và phát triển được; 80% còn lại (trong đó 30% “hấp hối”) đang gặp khó khăn lớn do khó tiếp cận vốn ngân hàng. Những doanh nghiệp làm chủ được nguồn vốn cũng phải đối mặt tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Bên cạnh đó, thị trường EU giảm khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam phải thu hẹp sản xuất; các nhà máy chỉ sử dụng khoảng 40% công suất thiết kế.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra còn gặp khó khăn về giá bán. Lãi suất ngân hàng quá cao kéo dài từ quý 4 năm ngoái đến nay, các doanh nghiệp sắp đến hạn trả nợ ngân hàng phải bán phá giá, khiến giá cá xuất khẩu giảm mạnh. Giá xuất sang EU hiện còn 2,7 USD/kg, giá sang Mỹ khoảng 3,1 USD/kg, giảm 15% so với trước.

>> Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: 4 tỉnh trọng điểm nuôi cá tra (An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ) có số dư tín dụng tại ngân hàng thương mại phục vụ nuôi và chế biến cá tra khá cao và hầu hết các khoản vay đến kỳ đáo hạn được điều chỉnh lãi suất về 13 – 15%/năm (An Giang 1.265,338 tỷ đồng, Vĩnh Long 31.967 tỷ, Đồng Tháp: 4.154 tỷ, Cần Thơ 5.688 tỷ). Đoàn kiểm tra về chính sách hỗ trợ người nuôi cá tra đã yêu cầu các tỉnh báo cáo: số dư nợ được giãn thời gian trả, số dư nợ được giảm lãi suất, số được vay mới theo lãi suất ưu đãi 11%.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!