T2, 06/07/2020 09:46

Nguy cơ mất cân bằng sính thái vì cá Lau Kiếng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Những năm trước đây, ở ĐBSCL, cá lau kiếng được người nuôi cá cảnh mang về nuôi chung với trong hồ để chúng ăn rong rêu, cặn bã. Sau một thời gian, qua nhiều đường khác nhau, cá được phát tán ra ngoài môi trường tự nhiên và đến nay, loài động vật ngoại lai này xuất hiện rất nhiều trên các sông, kênh, rạch, ao hồ ở hầu hết các địa phương trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Bốn, ngụ khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tôi hay chài cá trên một số tuyến kênh ở Mỹ An, trước đây mỗi lần gỡ chài có nhiều cá linh, cá rô, cá sặc, còn giờ thì đa số là cá lau kiếng. Trong 3 kg cá bắt được thì cá lau kiếng khoảng 2kg, loại cá này mang ra chợ bán rất ít người mua…”. Theo anh Nguyễn Văn Hữu ngụ ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Quý, cũng thuộc huyện Tháp Mười, loài cá này có thể sống trong môi trường nước tù đọng, chỉ cần một vũng nước nhỏ là chúng có thể sống mùa này qua mùa khác, khi chúng ở trong ao thì những con cá nuôi không phát triển được và hao hụt rất nhiều.

 

 

Tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, ông Phạm Văn Phước chuyên nghề đánh bắt cá trên sông Tiền cũng cho biết: “Loại cá này sao bây giờ quá nhiều, bởi chúng có ngạnh nên khi bám vào lưới rất khó gỡ, có bữa  dính nhiều, tôi phải cuộn lưới đem về phơi vì không gỡ nổi”. Nếu như các loại cá khác có giá bình ổn thì cá lau kiếng không được người tiêu dùng ưa chuộng. “Chủ yếu do hình dáng bề ngoài trông đã xấu xí, mà lượng thịt bên trong cũng chẳng bao nhiêu, lại làm hư chài lưới rất dữ”, ông Phước bức xúc.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Ngô, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, cá lau kiếng thuộc loại cá cảnh sau khi phát tán ra môi trường tự nhiên, chúng dễ thích nghi với môi trường sông nước. Cá có khả năng sinh sản quanh năm, tỷ lệ cá con sống khoảng 70% và có thể sống mà không cần đến thức ăn suốt 1 tháng. Điều đáng lo ngại là cá lau kiếng mẹ hay cá lau kiếng con đều có thể tiếp cận loài cá khác, hút nhớt làm các loài cá khác giảm khả năng phát triển hoặc sẽ chết. Nguy hiểm hơn, do đặc tính thích nghi mạnh nên chúng lấn át sinh vật bản địa, tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Ngô, hiện cá lau kiếng đang trở thành loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại các loài cá bản địa khác ở cùng một môi trường sống. Đây là loài cá không mang lại giá trị kinh tế, đang có chiều hướng tăng nhanh trên các sông rạch trong thời gian gần đây.

>> Sau trường hợp rùa tai đỏ xuất hiện trong môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã khuyến cáo đối với người dân không nên phát tán cá lau kiếng ra ngoài thị trường. Khi đánh bắt cá nên mang đi tiêu thụ hoặc tiêu hủy.           

                                                            

 

  AN NHI

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!