Nguy hại từ thủy điện trên dòng Mekong

Chưa có đánh giá về bài viết

ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ trở thành “hoang mạc” do thiếu nước, vì các quốc gia đầu nguồn gia tăng xây đập thủy điện. Hiện, trên sông Mekong đã có 7 đập được xây dựng và 11 đập khác đang trong kế hoạch. Tình trạng này trực tiếp hủy hoại môi trường sinh thái, còn làm xáo trộn đời sống cư dân trong lưu vực sông Mekong và ĐBSCL là nơi gánh chịu hậu quả lớn nhất.

Xây đập vì lợi ích quốc gia

Trường Đại học An Giang vừa tổ chức Diễn đàn “Tiếng nói của người dân Mekong về xây đập thủy điện”, với bản tuyên bố được cộng đồng các nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia cùng ký tên gửi đến chính phủ các quốc gia về việc xây đập thủy điện (ĐTĐ). Bản Tuyên bố nêu lên những thiệt hại và bày tỏ sự lo ngại của cộng đồng dân cư khi các ĐTĐ ở đầu nguồn được xây dựng tạo ra những thay đổi đến toàn bộ hệ sinh thái, đồng thời đe dọa cuộc sống người dân vùng lưu vực.

Tại diễn đàn, đại diện các quốc gia cùng lên tiếng: Mekong là con sông lớn và đa dạng sinh học nhất thế giới. Nguồn dinh dưỡng mà Mekong mang lại tạo ra vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, thủy sản tự nhiên đa dạng thứ hai thế giới (trong đó có những loài đặc hữu như cá tra dầu, cá hô, cá heo nước ngọt… trọng lượng khoảng 100 kg/con). Thế nhưng, những giá trị to lớn mà con sông đem lại đang bị chính con người đe dọa, bởi lợi ích cục bộ của các quốc gia đầu nguồn, khi họ đua nhau xây ĐTĐ.

nguy hại từ thủy điện trên dòng Mekong

Gia tăng đập thủy điện trên dòng sông Mekong tác động lớn đến đời sống của người dân – Ảnh: CTV

Ở đầu dòng chảy, hiện Trung Quốc đã xây 6 ĐTĐ, 11 con đập tiếp theo dự kiến xây dựng trên đất Lào và Campuchia sẽ gây ra những tác động xấu và nghiêm trọng cho khu vực, đặc biệt vùng ĐBSCL do ở cuối nguồn. Riêng đập Don Sahong mà Lào quyết tâm xây dựng bị cộng đồng cư dân 4 quốc gia lên án mạnh mẽ vì vị trí đập nằm ở vùng vô cùng quan trọng như yết hầu cho các loài cá vượt qua, vốn được di cư từ thượng nguồn về hạ lưu, khi hết mùa một số loài quay trở ngược lại đầu nguồn để sinh sản. Cộng đồng đề nghị được cung cấp đầy đủ thông tin về con đập Don Sahong, được tham vấn rõ ràng và Chính phủ Lào phải đối thoại trực tiếp với các nước khu vực Mekong. Nhưng Chính phủ Lào vẫn thực hiện phương châm “im lặng là vàng”.

Trong khi đó, quy trình ra quyết định xây dựng ĐTĐ trên dòng chính sông Mekong phải tuân thủ thủ tục là tham vấn thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) của Ủy hội Sông Mekong (MRC). Phải có nghiên cứu độc lập về giá trị của dòng sông, tác động của ĐTĐ và công bố công khai.

 

Đe dọa nguồn sống 60 triệu dân

Theo nhiều chuyên gia, ngoài 6 đập của Trung Quốc, việc xây dựng thêm 9 ĐTĐ ở Lào và 2 đập ở Campuchia có thể sẽ mang lại cái lợi trước mắt khoảng 33 tỷ USD cho nước xây đập, nhưng hậu quả lâu dài mà nó gây ra cho nguồn lợi thủy sản, lương thực, phù sa, môi trường sinh thái… của các nước chịu ảnh hưởng (có cả quốc gia xây đập) sẽ cao gấp 10 lần, tương đương 247 tỷ USD. Đi kèm theo đó là hạn hán, xâm mặn, tác động đến biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu; trong đó, gánh chịu hậu quả lớn nhất, vẫn là Việt Nam.

Vùng ĐBSCL có lượng cá trắng chiếm 65%, cá đen 35%. Khi các con đập được xây dựng, chỉ riêng lượng cá trắng di cư theo mùa sẽ làm ĐBSCL thiệt hại 220.000 – 440.000 tấn/nằm, kéo theo lượng cá đen cũng biến mất dần vì… đói (do cá trắng là thức ăn của cá đen). Nếu tính giá cá trắng thấp nhất 1.500 USD/tấn thì mỗi năm ĐBSCL mất hơn nửa tỷ USD, thiệt hại các mặt về nông nghiệp sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản đến cả chục tỷ USD/năm, đời sống cư dân xáo trộn mạnh.

Hậu quả đã nhãn tiền nhưng việc ngăn chặn xây ĐTĐ xem ra vẫn là “nhiệm vụ bất khả thi”. PGS-TS Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cho biết: ĐBSCL có nhiều đề tài nghiên cứu khắc phục bằng giải pháp xây đập ngăn sông giữ nguồn nước ngọt không cho trôi ra biển. Nhưng đây là biện pháp can thiệp thô bạo. Việc đóng cửa sông sẽ làm thay đổi hệ sinh thái, môi trường và nguy cơ ô nhiễm rất cao.

GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đề xuất, giải pháp cấp bách là sử dụng tiết kiệm nước, chuyển đổi cây trồng từ chủ yếu là lúa sang loại cây ít sử dụng nước. Người dân vùng ĐBSCL phải “tập sống chung với mùa lũ không có lũ”.

Thiếu nước, vùng ĐBSCL sẽ không còn là vựa lúa, nghề nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra cũng biến mất, nhiều diện tích đất nông nghiệp sẽ hoang hóa, cư dân bỏ ruộng đồng tha phương cầu thực. Và như vậy, trong tương lai không xa, không chỉ hơn 17 triệu dân ĐBSCL mà có tới 60 triệu dân trong lưu vực Mekong từ thượng Lào đến Thái Lan, Campuchia cũng sẽ chịu chung số phận.

>> Nếu Campuchia xây dựng 2 đập thủy điện ở Biển Hồ – nơi dự trữ nước và nguồn thủy sản cho vùng hạ lưu – thì vào mùa khô ĐBSCL sẽ không có nước về, mùa lũ cạn kiệt như năm nay, thậm chí còn thấp hơn thì phù sa và nguồn lợi thủy sản chỉ còn 20 – 30%.

Tuấn Bình - Trường Ca

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!