Nguyện cầu mùa biển từ đảo xa

Chưa có đánh giá về bài viết

Con tàu trước ngày xuất bến, người chủ thường chạy xuống những dinh, miếu ở trên đảo Lý Sơn để thắp một nén hương rồi lạy xin ông bà Hoàng Sa chứng giám đi đến nơi về đến chốn, cá mực đong đầy tàu, anh em bình an. Vì những lời nguyện ước ấy nên ngày xuân là ngày trả lễ của các ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa.

Đua thuyền ngày xuân ở đảo Lý Sơn

Âm linh tự

Nếu du khách đi tàu ra đảo Lý Sơn, di tích đầu tiên mà mọi người bắt gặp, đó là ngôi đền nhỏ, phía trước là một ruộng hành tỏi với vài ngôi mộ. Trước đình đặt một biểu tượng giống tấm bia khắc chữ “chiến sĩ trận vong”, đó là Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Người dân đảo đặt niềm tin rất lớn vào nơi linh thiêng này. Gia đình có con đi thi, người thân đi xa, buôn bán lớn, gia đình xui rủi, tàu thuyền bị bão… thường chạy vào Âm linh tự dâng trầu, rót rượu, cúng gà để cầu xin sự bình an, đỗ đạt. Vào ngày xuân, ngôi đình này tấp nập bước chân của các ngư dân sau một năm ngược xuôi trên biển. Mọi người đến đây để nói lời nguyện ước.

Những năm trước đây, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại Âm linh tự. Vào lúc nửa đêm, tấm linh vị khắc tên các anh hùng Hoàng Sa màu đỏ đặt trên bàn thờ nhấp nháy dưới ngọn đèn dầu. Giờ phút đó, các cụ già ngồi kể những câu chuyện hiển linh, như tàu cá QNg 66380 TS của ngư dân Nguyễn Thanh Hồng bị nạn trong cơn bão mạnh nhất trong năm 2009. Các gia đình thắp hương xin van vái cho 14 ngư dân được sống sót và nhận được lời phán “chiều mai tàu trở về”. Đến ngày hôm sau thì gia đình nhận được liên lạc, vì tàu cá bị sóng phủ gần chìm, máy Icom bị ướt nên đứt liên lạc với đất liền. Mỗi khi kể xong câu chuyện, các cụ già nhìn lên lá cờ Tổ quốc treo trên lá cờ thần đang căng gió dưới ánh đèn và thì thầm “các ngài linh hiển đã thác về với con cháu”. 

Trong quá khứ, ngôi miếu này có thể vừa vặn cho vài người dân Lý Sơn bê mâm lợn vào đình để trả lễ “vì đã hứa với ông bà hồi đầu năm mở biển”. Còn hiện nay, ngôi miếu đã trở nên quá chật hẹp vì các đoàn du khách đến chiêm bái và thăm quan. Nếu vào tận các bàn thờ bên trong miếu để thắp hương thì không thể đi hai người ngược chiều.

Đã có ý kiến đề xuất việc mở rộng Âm linh tự. Bởi nếu có được không gian rộng và tổ chức tốt, du khách ra đảo Lý Sơn không chỉ ngắm cảnh đẹp, mà còn xem việc đến Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, đình làng An Vĩnh để viếng là điều không thể thiếu trong cuộc hành trình.

Bí ẩn dưới lòng đất

Các cụ già trên đảo Lý Sơn cho rằng, đảo có 24 tòa dinh miếu, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ lại cho rằng, con số này phải là hàng trăm. Ông Vũ “mở” ra một bức tranh khác về Lý Sơn trong quá khứ mà ngành văn hóa đang “đánh thức” và cho biết, người dân Lý Sơn trong quá trình đào móng nhà, đào giếng, cày xới đất trồng hành tỏi cũng nhặt được các mảnh cổ vật, mộ chum tùy táng của người Sa Huỳnh cách chúng ta 2.500 đến 3.000 năm. Năm 1996, ngành khảo cổ đã khai quật ở Xóm Ốc (thôn Đông, xã An Vĩnh) và phát hiện nơi đây có dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh. Mộ táng Xóm Ốc là mộ nồi, vò chôn đứng, chôn song táng, gồm hai người nam và nữ, di cốt trẻ em.

Nền văn hóa Sa Huỳnh đã cách đây hàng ngàn năm. Còn hiện hữu rõ nét nhất trên đảo Lý Sơn bây giờ là lớp cư dân có truyền thống đi biển rất giỏi, đó là người Chăm Pa. Ngoài ra, trên đảo hiện vẫn còn Dinh Bà thờ Thần Thiên Y A Na, Chúa Ngọc, Chúa Giàng, hay giếng cổ Xó La vừa được tỉnh Quảng Ngãi công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Giếng nằm cách mép biển chừng 8 mét, nhưng nước ngọt quanh năm và không bao giờ cạn.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết, giếng cổ Xó La gắn với truyền thuyết vua Gia Long, giếng cấp nước cho các thương thuyền hải trình trên Biển Đông, là giếng của người Chăm Pa cổ và gọi là giếng Tiên, giếng Thần. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói rằng, giếng này tương đồng với một số giếng ở các tỉnh miền Trung, nên có thể giếng cổ Xó La đã có từ hàng ngàn năm.

Ông lân vượt song

Ở đảo Lý Sơn, giếng cổ Xó La và Lân Vĩnh Hòa chưa “hút” được nhiều sự quan tâm của du khách, nhưng hai địa danh này cũng tạo nên tấm áo huyền thoại, làm cho đảo trở lên linh thiêng, khiến lòng người rời đảo vẫn hoài vọng ngày trở lại.

Di tích Lân Vĩnh Hòa là một ngôi miếu nhỏ nằm ẩn dưới gốc cây bàng trăm năm tuổi, với gốc rễ và cành cây tỏa ra như bàn tay rồng chở che nơi thờ tự luôn vững vàng trước bão tố giữa biển. Thỉnh thoảng, có gia đình đội mâm gà vào đình thắp hương khấn vái. Họ ước những điều rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, đó là mong cho con thi đậu đại học, đi đường bình an, mở chuyến biển đầu tiên thuận thọ.

Hàng năm, trên đảo tổ chức đua thuyền trong ngày xuân. Lân Vĩnh Hòa tham gia chiếc thuyền mang tên con lân. Các cụ gia ban khánh tiết ở Lân Vĩnh Hòa khẳng định, năm nào chiếc thuyền lân mà thắng trong cuộc đua thuyền đầu năm thì nhất định có sự biến thiên của đất nước và ở đảo. Điển hình như sự sụp đổ gia đình trị Ngô Đình Diệm (năm 1963) hay năm 1975 thống nhất đất nước…

>> Ngày xuân, 24 tòa dinh, miếu trên đảo Lý Sơn đều cắm cờ Tổ quốc phía trên và cờ thần phía dưới. Những lá cờ này được gắn vào một thanh tre dài, sau đó kéo lên đỉnh cột để xoay tròn theo hướng gió với ý nghĩa thuận buồm, xuôi gió, sống thuận theo thiên nhiên.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!