(TSVN) – Mặc dù đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 170 thị trường trên thế giới, nhưng ngành thủy sản Việt Nam năm qua cũng chịu không ít những “sóng gió” ảnh hưởng rất lớn đến giá trị sản xuất của toàn ngành. Năm 2024, toàn ngành đặt mục tiêu mang về 9,5 tỷ USD, tăng 3% so năm 2023, nhưng cần phải có giải pháp để thoát khỏi những “cơn sóng” gập ghềnh trong tương lai.
Theo Báo cáo mới nhất của VASEP, năm 2023 do lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước khiến kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2023 giảm 17% so với năm 2022, chỉ đạt 9 tỷ USD.
Theo VASEP, trong nửa đầu năm 2024 tình hình xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023. Ảnh: Gia Bảo
Năm qua, giá trị xuất khẩu những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16 – 20%. Xuất khẩu các loài cá khác (chủ yếu là cá biển: cá thu, cá hồi, cá nục, cá cơm, cá minh thái…) giảm nhẹ 7%, cua ghẹ cũng giảm 4%; xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 20% và nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc…) giảm 14%.
Cụ thể, với ngành hàng tôm, năm 2023, xuất khẩu chỉ đạt hơn 3,4 tỷ USD, chiếm 38% tổng xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Ngoài vấn đề sụt giảm giá xuất khẩu, ngành tôm Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi các nước sản xuất khác như Ecuador và Ấn Độ khi đều gia tăng nuôi trồng và đẩy mạnh xuất sang thị trường Mỹ, Trung Quốc và những thị trường khác với giá thấp hơn 15 – 20% so với giá tôm Việt Nam. Trong khi, hoạt động nuôi tôm và chế biến tôm trong nước sụt giảm vì người nuôi bị lỗ, doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận do chi phí sản xuất tăng cao (bao gồm giá thức ăn, con giống, lao động…), mà giá bán ra lại thấp. Nhiều hộ nuôi treo ao vì càng bán càng lỗ và không có vốn để tiếp tục đầu tư.
Với ngành cá tra, tình hình cũng không có nhiều khả quan. Bởi, nửa đầu năm 2022 cả khối lượng và giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng vọt; hệ lụy là nửa cuối năm 2022 và cả năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng này lao dốc vì các thị trường phải giải quyết lượng tồn kho, dẫn đến lượng nhập khẩu giảm, giá giảm sâu. Ngoài ra, giá các loài cá thịt trắng khác như cá minh thái, cá tuyết cod giảm cũng ảnh hưởng đến giá và lượng tiêu thụ cá tra trên thế giới. Nên, cả năm, xuất khẩu cá tra ghi nhận đạt giá trị xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch toàn ngành. Nhiều thị trường trọng điểm có sự sụt giảm như: Mỹ giảm 50%, Trung Quốc giảm 20%, EU giảm 17%; chỉ có một số thị trường nhỏ có tăng trưởng như Brazil, Đức, Anh…
Xuất khẩu hải sản khai thác các loại đạt gần 3,8 tỷ USD, giảm 11% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ đạt 850 triệu USD, mực – bạch tuộc đạt 650 triệu USD, cua ghẹ đạt 220 triệu USD. Nhóm các sản phẩm cá biển khác có doanh số tương đối lớn, đạt 1,9 tỷ USD, có mức giảm khiêm tốn nhất so với các mặt hàng khác. Nguyên nhân là do có một số loài có giá trị xuất khẩu tăng gồm cá minh thái, cá nục, cá thu, cá cam… thuộc nhóm các sản phẩm được các doanh nghiệp nhập về gia công xuất khẩu để tận dụng công suất và duy trì việc làm cho công nhân.
Có thể thấy, năm 2023 những doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước khó khăn hơn vì ngoài yếu tố nhu cầu thị trường, quy định thị trường như thẻ vàng IUU, kiểm soát ATTP…; thì vấn đề chi phí, giá thành sản xuất nguyên liệu là một bài toán khó. Các doanh nghiệp sử dụng được thêm nguồn nguyên liệu từ nước ngoài để gia công, chế biến xuất khẩu thì cũng bớt được nỗi lo nguyên liệu và đầu ra.
VASEP cũng đưa ra một số dự báo cho thị trường cũng như hoạt động xuất khẩu thủy sản năm 2024. Cụ thể: Lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn ít nhất tới hết nửa đầu năm 2024. Chi phí lớn và tăng cao của thức ăn – thách thức lớn cho ngành nuôi tôm và cá tra.
Với ngành tôm, tiếp tục cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024 (sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn). Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản cộng với sự tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.
Còn ngành cá tra, tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm fillet đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.
Với nhóm hải sản, “thẻ vàng” IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Về tiêu thụ, nhu cầu thị trường tập trung vào các phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô. Sẽ có xu hướng gia công xuất khẩu tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức (người Duy Ngô Nhĩ) và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật đổ sang Việt Nam và một số nước khác tìm đối tác gia công. Cùng đó là xu hướng tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cơ hội gia tăng doanh số từ chính thị trường trong nước thông qua các kênh bán lẻ và dịch vụ.
Trước những dự báo này, để củng cố và tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thủy sản, VASEP đã đề xuất Thủ tướng 8 kiến nghị. Đó là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam, để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương quan tâm, chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024. Từ thực trạng giá thức ăn thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác, VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Cụ thể cần giảm thuế nhập khẩu bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện một giá cho cơ sở nuôi tôm… Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương và có kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản. Vì đây là cơ sở hạ tầng để làm tiền đề cho phát triển nghề cá bền vững và kinh tế biển.
Vân Anh