Nhiều lô hàng bị trả về, xuất khẩu cần thận trọng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhiều năm nay, xuất khẩu thủy sản luôn có những bước tăng trưởng rất mạnh. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có nhiều lô hàng thủy sản bị các nước xuất khẩu trả về kèm theo đó là những cảnh cáo nghiêm trọng về chất lượng. Sự việc này lặp lại liên tục nhưng vì sao ngành thủy sản chưa thể khắc phục?

Số lượng chưa giảm

Ngay từ quý I/2021, toàn ngành “hoảng hốt” sau khi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) báo cáo cho thấy chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, số lượng lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến. Trong đó, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với 15/40 lô vi phạm bị trả về.

Vào tháng 10/2021, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) có văn bản gửi NAFIQAD, Cục Bảo vệ thực vật về cảnh báo của EU đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong tháng 9/2021. Cụ thể là sản phẩm đùi ếch đông lạnh của Việt Nam bị cảnh báo chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg – ppb. EU đánh giá mức độ rủi ro là nghiêm trọng. Pháp đã thu hồi sản phẩm trên thị trường, còn Thụy Sĩ thì tiêu hủy sản phẩm. 

Riêng về sản phẩm tôm, cũng theo NAFIQAD, tính đến tháng 12/2021, đã có 53 lô hàng bị cảnh báo. Trong đó, cảnh báo về phụ gia, phosphate là 25 lô, chiếm gần 50% số lô cảnh báo, về dịch bệnh chiếm 13 lô, vi sinh 5 lô, kim loại nặng 1 lô, ghi nhãn 1 lô. Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô, giảm 2 lô so với năm 2020… 

Một thương lái thu gom tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất tại Cà Mau năm 2021 bị lực lượng công an phát hiện, thu giữ. Ảnh: Minh Phúc

“Như vậy, tình trạng lạm dụng phụ gia để ngâm, quay, tăng khối lượng và các yếu tố khác trong chế biến tôm đang phổ biến, bị cảnh báo rất nhiều nên cần phải xử lý trong thời gian tới” – ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng NAFIQAD, nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số quốc gia nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam liên tục có những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Đơn cử, thị trường Hàn Quốc yêu cầu các sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của nước này thì sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, nếu thực hiện thời gian xử lý nhiệt dài sẽ gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm như yếu tố màu sắc, mùi vị… 

Chưa kể, Hàn Quốc đã bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số loài, dạng sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào nước này phải kèm theo chứng thư chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh này. 

Trị bệnh từ “gốc”

Ngay sau khi có những thông tin lô hàng xuất khẩu bị trả về, Bộ NN&PTNT cho biết cần làm ngay là giám sát tốt an toàn dịch bệnh để đáp ứng tốt các yêu cầu thị trường. Các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đáp ứng các yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của các thị trường. 

Báo cáo tại cuộc họp ngành tôm cuối năm 2021, ông Lê Bá Anh cho biết, năm 2021, NAFIQAD giám sát 111 vùng nuôi tại 35 tỉnh, thành phố đã phát hiện 10 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh như Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Enrofloxacin. “Mặc dù không phải con số lớn nhưng so với cá tra thì tôm sử dụng hóa chất, kháng sinh và bị phát hiện nhiều hơn. Kết quả trên cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao” – ông Bá Anh cho biết.

Còn ở khâu chế biến, 10 tháng đầu năm 2021, NAFQAD phát hiện 34 cơ sở tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang vi phạm về dư lượng hóa chất, kháng sinh, tịch thu hơn 3,8 tấn tang vật vi phạm, xử phạt tổng số tiền 1,1 tỷ đồng.

Để khắc phục được tình trạng này, ông Lê Bá Anh đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện các chương trình quản lý chất lượng ASC, đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc, khai báo xuất xứ tôm xuất khẩu vào Mỹ theo mẫu DF2031 theo quy định của Mỹ. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ tạp chất trong tôm theo quy định hiện hành. Hạn chế tối đa sử dụng phụ gia, các yếu tố nhằm mục đích gian lận thương mại làm mất uy tín của thủy sản Việt Nam.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản cần thiết lập và thực hiện hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm trước khi tiêu thụ ra thị trường, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chất lượng thủy sản…

Tuy nhiên, để làm triệt để được vấn đề này phải giải quyết tận gốc, tức là từng đầm nuôi tôm, cá. Ông Bá Anh cho biết NAFIQAD sẽ tiếp tục triển khai chương trình giám sát dư lượng quốc gia với các vùng nuôi trồng thủy sản. Dự kiến tiếp tục giám sát 11 vùng nuôi tôm tập trung tại 35 tỉnh, thành phố. Cùng đó, trong năm 2022 sẽ phải dựa trên đối tượng và chỉ tiêu các thị trường tập trung cảnh báo để có chỉ đạo các địa phương triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra để xử lý tình trạng này nhằm đảm bảo uy tín của thủy sản Việt Nam.

>> Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước: Việc siết chặt quy định nhập khẩu thủy sản là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp, người nuôi trong nước tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, kiểm soát từ đầu vào cho tới đầu ra. Có như vậy, thủy sản Việt Nam mới không còn bị mang tiếng là tồn dư kháng sinh hay nguồn gốc nhập nhèm, thậm chí bị hạ giá.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!