Nhìn lại lợi thế vựa thủy sản Cà Mau

Chưa có đánh giá về bài viết

Cà Mau đã thể hiện được vai trò là vựa thủy sản của cả nước với năng suất, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng. Ngành chức năng Cà Mau đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành kinh tế mũi nhọn này.

Nhiều thế mạnh

Cà Mau là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, trung tâm thủy sản lớn, đặc biệt là tôm. Với diện tích nuôi tôm trên 266.000 ha (40% so cả nước), năm 2013 sản lượng đạt 134.000 tấn (25% so cả nước), kim ngạnh xuất khẩu trên 1 tỷ USD (42% so cả nước). Giá trị thủy sản chiếm 30% GDP của tỉnh; giải quyết trên 350.000 lao động cho lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến. Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và 41 nhà máy chế biến xuất khẩu với tổng công suất 180.000 tấn/năm.

NTTS xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả như nuôi QCCT, năng suất bình quân đạt 500 – 800 kg/ha/vụ, tăng 200 – 450 kg/ha/vụ và tăng thêm lợi nhuận 10 – 15 triệu đồng/ha/vụ so nuôi quảng canh truyền thống. Đặc biệt, mô hình NTCN đang được nhân rộng, năng suất bình quân đạt 4 – 6 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu được 150 – 200 triệu/ha/vụ. Ngoài ra, mô hình nuôi cá chình thương phẩm năng suất đạt 10 – 15 tấn/ha/năm, lợi nhuận 300 – 400 triệu đồng/ha…

Triển khai thực hiện khai thác thủy sản hướng xa bờ, từng bước ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt, giảm áp lực khai thác ven bờ. Tổng sản lượng khai thác thủy sản bình quân hàng năm trên dưới 150.000 tấn, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động.

Mặt khác, Cà Mau còn có lợi thế rất lớn về nguồn tôm bố mẹ, hàng năm cung cấp cho sản xuất giống trên 150.000 tôm sú mẹ.

Năng suất tôm nuôi ngày càng tăng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau – Ảnh: Diệu Lữ

Thách thức không ít

Mấy năm trở lại đây, thời tiết diễn biến ngày càng bất lợi sản xuất. Trong đó, mối đe dọa lớn nhất là dịch bệnh gây tổn thất nặng nề cho tôm nuôi, đặc biệt đối với nuôi tôm thâm canh. Tác nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Quy hoạch phát triển sản xuất còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, chậm được cập nhật, bổ sung điều chỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm nói chung, đặc biệt là NTCN còn yếu kém, nhất là hệ thống điện, thủy lợi. Trong khai thác, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, khai thác ven bờ vẫn còn cao, nguồn lợi ngư trường ngày càng cạn kiệt.

Các yếu tố đầu vào từ vật tư nông nghiệp, thuốc, hóa chất… phục vụ cho sản xuất chất lượng chưa cao. Giá cả luôn biến đổi theo chiều hướng tăng. Vốn phục vụ cho sản xuất yếu, người dân khó tiếp cận được các nguồn vốn vay. Tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, chưa gắn kết.

Cơ sở sản xuất tôm giống còn yếu, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tại chỗ. Hiện, toàn tỉnh có 876 cơ sở sản xuất và 223 cơ sở kinh doanh giống. Sản xuất hàng năm đạt khoảng 8 – 9 tỷ con giống tôm sú đáp ứng khoảng 40% lượng tôm giống thả nuôi.

Vấn đề nuôi tôm ngoài quy hoạch cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 7.317 ha nuôi tôm công nghiệp (cả trong và ngoài quy hoạch). Vấn đề nuôi tôm ngoài quy hoạch cần được giải quyết một cách đồng bộ, nếu không nó sẽ là trở ngại cho phát triển NTCN của tỉnh trong thời gian tới.

 

Cần nhiều giải pháp

Để ngành thủy sản Cà Mau phát huy được lợi thế, tiềm năng, các cấp ngành địa phương đã áp dụng và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ. Cụ thể: Tổ chức sản xuất theo quy hoạch; nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; chất lượng giống, vật tư phục vụ cho sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Tiến hành quy hoạch chi tiết NTTS đến năm 2020, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất tôm giống đến năm 2020, quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành theo hướng xác định thế mạnh, đối tượng chủ lực làm mũi nhọn phát triển bứt phá.

Đẩy mạnh xây dựng liên kết trong chuỗi sản xuất (liên kết 4 nhà) để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững. Xây dựng thành công một số cụm NTCN tập trung được hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất có hiệu quả để nhân rộng. Xây dựng các vùng nuôi sạch được chứng nhận (BMP, GAP, ASC, Naturland…) truy xuất nguồn gốc, gắn với thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho nông dân nắm vững quy trình cải tạo ao, đầm, chăm sóc tôm nuôi và các loài thủy sản; triển khai nhanh lịch thời vụ; chỉ đạo, quản lý dịch bệnh phải có giải pháp rõ ràng; đảm bảo con giống đạt chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó, kiểm tra, điều chỉnh vùng quy hoạch NTCN cho phù hợp với thực tế; rà soát lại lưới điện để có giải pháp tháo gỡ khó khăn; kiểm tra các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; dự báo thị trường, giá cả để nông dân yên tâm sản xuất…

>> Mục tiêu năm 2014, toàn tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt tổng sản lượng NTTS 298.500 tấn, trong đó sản lượng tôm là 140.000 tấn; ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 296.000 ha.

Diệu Lữ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!