(TSVN) – Họ mưu sinh trên sông nước trong những ngôi nhà nổi lúp xúp và lênh đênh trên mạn thuyền tròng trành. Trong cái lênh đênh vô định ấy có cả những cụ ông, cụ bà, hay những đứa trẻ ngày ngày gắn cuộc đời với sông nước mưu sinh.
Trên mảnh đất cao nguyên đầy nắng gió như Đắk Lắk có một làng chài quanh năm gắn mình với nghiệp đánh cá mưu sinh đến nay đã hơn 10 mùa rẫy. Cuộc sống của họ là một thế giới khác lạ, tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động giữa phố phường nhộn nhịp.
Vẻ đẹp của hồ Nam Ka lúc chiều tà
Trên con nước này có khoảng 38 hộ dân sống bám víu vào nhau để qua ngày. Đây là một xóm chài nhỏ bé hình thành từ năm 2009, khi một vài người tìm đến con suối Đắk Hil thuộc địa bàn 2 xã Nam Ka và Krông Nô (huyện Lak, Đắk Lắk); và rồi thủy điện buôn Tua Srah được xây dựng trên địa phận xã Nam Ka, trong quá trình tích nước hồ chứa đã làm nước dâng lên, con suối Đắk Hil vì thế mà rộng thêm, lượng nước dồi dào khiến nơi đây tập trung nguồn cá rất lớn, từ đó xuất hiện làng chài này.
Những nhà nổi, lòng bè nuôi cá trên hồ Nam Ka
Cư dân ở đây đều là dân tứ xứ, cùng về cư ngụ một góc sông tạo thành xóm, sống bằng nghề chài lưới. Mới đầu chỉ là đánh bắt, về sau, họ nhận thấy nơi đây không chỉ có nguồn cá dồi dào mà nước sâu, trong xanh rất thích hợp cho nghề nuôi cá nên quyết định dừng chân lập nghiệp.
Không mảnh đất cắm dùi, họ đóng thuyền, dựng nhà ngay trên mặt nước. Cứ 4 – 5 giờ chiều mỗi ngày, người dân nơi đây chèo thuyền ra xa thả lưới, đốt đèn đuổi cá đến tận đêm khuya, sáng sớm tinh mơ dậy gỡ cá cho kịp thương lái thu mua. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt, người dân thu từ 10 – 15 kg cá, chủ yếu là lóc, cá bống, rô phi… mỗi tháng kiếm được 4 – triệu đồng. Số tiền này một phần dùng cho chi phí sinh hoạt gia đình, phần còn lại người dân đầu tư nuôi cá.
Những bè cá ọp ẹp, xiêu vẹo như muốn đổ nhào xuống mặt nước
Anh Dũng (35 tuổi, quê An Giang) cho biết: “Coi vậy chứ nghề này cũng bấp bênh lắm, ngày thường còn làm ăn được chứ mùa nắng nước cạn, mùa mưa gió bão không đánh được thì chỉ có đói. Miếng cơm manh áo gia đình chỉ trông chờ vào lồng cá nuôi quanh nhà, một đợt thu được vài chục triệu, trừ vốn ra, còn lại cũng đủ chi tiêu!”.
Theo anh Dũng, hầu như nhà nào cũng làm lồng nuôi cá. Nhà đông lao động, nhiều vốn thì nuôi cả chục lồng cá, nhà nào vốn ít thì nuôi vài lồng, như vậy cũng đủ ăn.
Trên một khoảnh mặt hồ, nhưng cuộc sống ở đây khác hẳn với sự nhộn nhịp ở nhiều nơi khác
Mọi sinh hoạt trong gia đình gón gọn trong căn nhà chật hẹp, chỉ vừa chỗ ăn, ngủ. Lúc rảnh rỗi, người dân chèo thuyền sang các nhà bên trò chuyện tán gẫu. Bà Loan (quê Bến tre) cho biết: “Nhiều lúc nhớ cuộc sống ở dưới quê hơn, nhưng đi làm ăn mà, phải chấp nhận chứ biết sao giờ, ngày đầu mới lên buồn lắm, giờ thì đỡ rồi. Chỉ tội cho bọn trẻ cũng đều gắn bó với nơi ở nửa thuyền, nửa nhà này. Nhiều khi nhìn cuộc sống trên bờ tấp nập mà thèm, thương bọn nhỏ cũng sống mà khác xa với chúng bạn trên bờ!”.
Quanh năm trôi nổi trên con nước khiến nhiều em nhỏ bỏ học nửa chừng, phần vì trường xa, phần vì gia đình khó khăn. Một vài gia đình sợ con thất học nên đưa về quê, số khác gửi người quen cho con ra ngoài huyện học. Những đứa trẻ lên ba, bốn tuổi đã biết bơi, nước da lúc nào cũng đen sạm, tóc cháy vàng vì nắng cao nguyên. Cuộc sống du mục lênh đênh trên sông nước, sự vất vả mưu sinh đã khiến họ chẳng mấy quan tâm đến việc gì khác ngoài chuyện kiếm tiền sống qua ngày.
Những ngày mưa bão như cuối năm 2020 vừa qua, sóng dội liên tục khiến những ngôi nhà nổi này trở nên chông chênh hơn. Tuy vậy, nhiều người vẫn quyết bám trụ mưu sinh vì quen cuộc sống sông nước.
Hai đầu cầu Đắk Hil là những chòi tạm bán khô cá
Trên mặt hồ buổi chiều ánh vàng lấp lánh, những lồng bè trông tạm bợ, dập dềnh theo sóng nước. Ông Đạt, một cư dân cho hay cả xóm này có trên 30 lồng cá lóc, riêng ông nuôi khoảng 2 lồng, mỗi năm thu chừng 4 tấn cá. Nuôi cá lóc lồng bè trên hồ Nam Ka là kiểu nuôi “con nhà nghèo”, vì không có tiền mua thức ăn công nghiệp nên các hộ ở đây phải nuôi bằng cá nhỏ đánh bắt trong tự nhiên.
Mấy năm nay, để cải thiện kinh tế và bán những loại thủy hải sản tự nuôi cũng như đánh bắt được, những hộ dân ở xóm chài này đã dựng lều, mang cá khô một nắng lên cầu Đắk Hil bán. Nhưng những hàng quán bán khô cá bên đường ấy vẫn chưa thể kéo làng chài ra khỏi sự túng quẫn, khó khăn. Người lớn thì không nói làm gì, nhưng còn lũ trẻ? Sống trên đò, mùa nắng thì còn lên bờ đi học được, mùa mưa lũ chỉ biết theo cha mẹ dạt vào khe núi, cồn bãi nào đó thì làm sao đến trường? Bây giờ, họ ao ước được lên bờ. Thế nhưng, giấc mơ ấy vẫn xa xôi và mờ mịt như sương sớm núi rừng Tây Nguyên.
Đặc sản cá khô nuôi trồng và đánh bắt được trên lòng hồ
Ông Hồ Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Krông Nô, cho biết: “Xã cũng đã nhiều lần động viên người dân lên bờ sinh sống vừa đảm bảo an toàn tính mạng vừa thuận tiện cho công tác quản lý trật tự địa phương. Tuy nhiên, vì còn rất nhiều khó khăn nên người dân hiện chưa muốn lên bờ! Những năm qua, xã cũng tạo điều kiện cho người dân ở làng chài về việc tạm trú, cấp giấy khai sinh cho trẻ em, được tham gia các hoạt động y tế, giáo dục của địa phương. Còn về đất tái định cư cho người dân làng chài cần phải đợi chủ trương, quy hoạch của cấp có thẩm quyền”.
Chiều muộn, mặt trời phủ xuống những ráng đỏ buồn. Những làn khói lam từ các ngôi nhà nổi trên lòng hồ lan tỏa trên mặt hồ, xa xa vẫn còn bóng dáng một vài ngư dân bắt cá lo bữa cơm cuối ngày. Trong cuộc mưu sinh, đâu đó vẫn nghe tiếng thở dài…