Những hình mẫu cần nhân rộng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau hơn 1 năm phát động, ngày 20/7/2012, Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Điển hình Lao động giỏi ngành Thủy sản Việt Nam lần thứ II”.

Biểu dương người thực, việc thực 

Cuộc thi là sự ghi nhận, tuyên dương, động viên những tổ chức, cá nhân tiêu biểu đóng góp có hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản, góp phần thúc đẩy lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Mặc dù qui mô không lớn, nhưng cuộc thi đã có ảnh hưởng sâu rộng đến đông đảo ngư dân. Để rồi qua đây, mọi người được biết đến những “anh hùng thầm lặng”, với những đóng góp quan trọng của họ trong thành công chung của ngành thủy sản Việt Nam hôm nay.

Sau hơn một năm phát động, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của các cộng tác viên, nhà báo và những cây bút không chuyên trong cả nước, với hơn 120 tác phẩm của gần 100 tác giả. Đây là thành công tiếp theo của Cuộc thi.

Trại cá bên Hòn Một (Giải Khuyến khích) – Ảnh: Xuân Trường

Không rầm rộ như những cuộc thi khác, nhưng cuộc thi đã tạo nên sức thu hút không nhỏ, vì nó đến gần hơn với những con người đã gắn bó cả cuộc đời với với biển cả, với những đầm, những ao, với con tôm, con cá…

Ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Cuộc thi là cơ hội để người lao động được thử sức mình, được xã hội tôn vinh và trân trọng, đó là những con người bình dị nhưng lại có những việc làm ý nghĩa lớn, là tấm gương sáng trong ngành thủy sản, “phú quý không quên bần hàn”. Cuộc thi đã phản ánh phần nào về cuộc sống của ngư dân, về sự chuyển động của ngành thủy sản.

Nói về chất lượng của cuộc thi, Trưởng Ban giám khảo – nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ: Cuộc thi lần này đã xuất hiện nhiều gương mặt mới, nhiều tấm gương mới trong lĩnh vực thủy sản. Qua 2 lần tổ chức, cuộc thi đã để lại dấu ấn sâu rộng trong lòng bạn đọc. Đã có sự phong phú về mặt đề tài, nhiều lĩnh vực trong ngành thủy sản như nuôi trồng, sản xuất, khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá đều đã được thể hiện, cùng với đó là sự có mặt của những vùng, miền có thế mạnh về thủy sản. Các tác phẩm đoạt giải không chỉ viết về những chủ đề quen thuộc mà còn mang đậm tính thời sự, thể hiện chủ quyền biên giới hải đảo của Tổ quốc.

 

Nhân rộng những tấm gương

Cuộc thi được phát động lần thứ hai diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Tạp chí Thủy sản Việt Nam, trong giai đoạn ngành thủy sản đang có những bước phát triển vượt bậc.

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công cho ngành Thủy sản hôm nay, đó là sự đóng góp to lớn của người lao động, những người đi lên từ nghèo khó, từng trải qua thất bại để có được thành công như ngày hôm nay. Đồng thời, họ còn là những người vượt lên trên mọi khó khăn, góp sức mình vào công cuộc phát triển đất nước. Tiêu biểu như nhân vật Nguyễn Dê ở thôn Trung Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong tác phẩm “Lão mù đánh cá bằng… tai” của tác giả Nguyễn Khánh, mặc dù là người khiếm thị, nhưng vẫn lao động sản suất, không những nuôi sống được mình, mà còn nuôi 7 người con lần lượt trưởng thành, nghị lực của ông thật sự rất đáng khâm phục.

Ông Bùi Vĩnh Liên với tác phẩm “Tỷ phú cá cảnh” đại diện cho các tác giả đoạt giải chia sẻ: Cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích cho các phóng viên, nhà báo, những người yêu và gắn bó với ngành thủy sản. Đồng thời, là cơ hội cho những tấm gương điển hình trong lao động ngành Thủy sản được xã hội biết đến, việc nhân rộng những tấm gương này là rất cần thiết.

Cuộc thi không chỉ có ý nghĩa và cơ hội với các nhà báo mà còn có tác động lớn tới những người lao động nói chung. Gương điển hình Trương Đình Lợi ở Quảng Ngãi phấn khởi cho biết, đây là một cuộc thi có ý nghĩa lớn không chỉ với cá nhân tôi mà còn với nhiều người lao động khác, là động lực giúp tôi cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong sản xuất, là cơ hội để mọi người học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm hay trong sản xuất. Cuộc thi cũng giúp tôi nhận ra rằng, còn có rất nhiều tấm gương lao động giỏi, những người biết vượt lên khó khăn, phấn đấu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình mà chưa được tôn vinh. Hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều cuộc thi, nhiều bài viết hay, nhiều tấm gương sáng được tuyên dương.

Cuộc thi viết về lao động giỏi ngành thủy sản lần 2 đã khép lại, nhưng sức lan tỏa của cuộc thi còn tiếp nối sau đó, vì cuộc thi đã thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội đối với những khó khăn, vất vả của người nông dân. Đồng thời, khích lệ những dự định, cách làm hay, những ý tưởng sáng tạo của người lao động, họ là những người đang ngày đêm trực tiếp lao động sản xuất, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo của Tổ quốc.

>> Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Đây là một cuộc thi có ý nghĩa lớn đối với Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam và ngành thủy sản nói chung trong quá trình phát triển thi đua lao động, sản xuất. Tuy chưa phản ánh hết được đặc thù của ngành thủy sản, nhưng Cuộc thi đã biểu dương được nhiều tấm gương lao động tiên tiến trong sản xuất, là những hình mẫu cần được nhân rộng. Trong thời gian tới, chúng ta cần kêu gọi nhiều hơn nữa tới các cơ quan quản lý nhà nước tích cực tham gia chỉ đạo, hỗ trợ tìm kiếm những tấm gương lao động giỏi trong lĩnh vực thủy sản để tôn vinh.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!