Những khó khăn khi nuôi cá Hồi vân tại Lào Cai

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu năm 2005, Dự án nhập công nghệ sản xuất giống cá Hồi vân do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I thực hiện thành công. Tỷ lệ ấp nở đạt trên 96% đối với cá bột và trên 90% đối với cá hương. Địa điểm nuôi cá Hồi lần đầu tiên tại Sa Pa, nằm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn có độ cao so với mực nước biển hơn 1.700 m. Khu vực này có khí hậu ôn đới, nhiệt độ nước thường 5 độ C – 10 độ C vào mùa đông.

Nhiệt độ nước ao (nước tĩnh) có thể đạt 25 độ C – 27 độ C vào mùa hè, nhưng không quá 20 độ C trong các suối nước chảy. Nguồn nước được cung cấp từ suối Thác Bạc và các suối liền kề với tốc độ dòng chảy 20 l/s vào mùa khô và 100 l/s vào mùa mưa. Cá Hồi tại đây được nuôi bằng thức ăn Raisio có hàm lượng protein 40% – 60% do Phần Lan sản xuất, tỷ lệ cho ăn thường từ 2% cho cá thịt và 5% – 8% cho cá giống.

Tuy nhiên, nuôi cá Hồi trên địa bàn đang gặp khó khăn lớn, mà chủ yếu là thiếu hụt nguồn nước lạnh cho các trang trại cá hồi có qui mô lớn vào các tháng mùa khô. Mặc dù đã thành công trong nghiên cứu nuôi vỗ thành thục và sinh sản nhân tạo cá Hồi, nhưng việc thiếu hụt nguồn nước sẽ là khó khăn, trở ngại trong nghiên cứu sản xuất cá Hồi giống toàn cái và ngăn chặn sự thoái hoá nguồn gen của loài cá này.


Nguồn nước tự nhiên thích hợp cho cá Hồi là môi trường nước phải sạch, lạnh và oxy hoà tan cao để đảm bảo cho sự tăng trưởng và tỷ lệ sống cao. Việc giới thiệu cá Hồi có giá trị kinh tế vào nuôi tại Lào Cai sẽ đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho ngành du lịch, thay thế một phần cá Hồi nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Hiện nay, cá Hồi rất phù hợp cho nuôi thương mại và kỹ thuật quản lý trang trại đã được phát triển tốt trên phương diện thực tiễn, có khá nhiều mô hình nuôi cá Hồi thành công mang lại hiệu quả kinh tế cao chủ yếu tại Sa Pa, Bát Xát… góp phần vào việc phát triển kinh tế vùng cao của tỉnh.

Việc quản lý trang trại nuôi cá Hồi cần nhiều lao động và đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp tốt, nếu thiếu kinh nghiệm trong quản lý kỹ thuật sẽ dẫn đến thất bại. Cá Hồi rất nhạy cảm với bệnh tật khi nuôi thâm canh (điều kiện mật độ cao), vì vậy, các trang trại nuôi cá Hồi cần phải làm tốt công tác vệ sinh để ngăn chặn dịch bệnh. Cá Hồi cũng có thể nuôi theo hình thức quảng canh, nhưng hiện các trang trại đều nuôi theo hình thức thâm canh (năng suất 200 – 300 tấn/ha) sử dụng thức ăn cao đạm nhằm đạt năng suất tối đa. Hầu hết các bệnh ở cá Hồi đều có thể kiểm soát được nếu quản lý trang trại đúng kỹ thuật và vệ sinh tốt.

Trong số các bệnh xuất hiện thì bệnh khó nhất vẫn là hoại tử gan. Đây là loại bệnh do sử dụng thức ăn kém chất lượng và có nấm mốc. Khi cá bị mắc bệnh này sẽ mất thăng bằng, gan sưng to, màu sắc tái nhạt và chuyển sang trắng. Để ngăn chặn bệnh, thức ăn sử dụng phải có địa chỉ rõ ràng từ các hãng sản xuất lớn, có uy tín và được kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, thức ăn cũng cần được bảo quản trong điều kiện tốt để tránh xuất hiện nấm mốc phát triển, vì chỉ cần một liều lượng rất nhỏ cũng có thể gây ra bệnh hoại tử gan. Thức ăn tốt hiện nay cho cá Hồi được nhập khẩu từ hãng Raisio của Phần Lan và Skretting của Pháp.

Bệnh đốm đỏ (hay còn gọi bệnh nhọt trên cá Hồi). Bệnh này xảy ra thường chủ yếu đối với cá lớn (> 1 kg/con), tuy nhiên cũng không ngoại trừ đối với cá nhỏ hơn, nguyên nhân do mật độ nuôi cao và thiếu hụt các vitamin cần thiết. Hầu hết các bệnh đều bắt nguồn từ dinh dưỡng của thức ăn, chất lượng và lưu lượng nước cấp trong các ao nuôi nước chảy. Bệnh này có thể chữa trị bằng việc tắm một số loại thuốc kháng sinh phù hợp.

Việc nhập nội một loài cá mới có gây ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực lên hệ sinh thái, nhưng việc giới thiệu cá Hồi lần đầu tiên vào nuôi tại Lào Cai không phải tranh cãi nhiều như các loài cá khác. Cá Hồi có thể nuôi tại các vùng núi phía Bắc và cao nguyên ở Việt Nam, nhưng chúng không thể sinh sản ngoài tự nhiên, vì đây là loài cá không đẻ nhiều và khi sinh sản ngoài tự nhiên cần có môi trường đặc biệt. Nhờ vậy, quần đàn cá Hồi có thể được kiểm soát và sống chung trong cùng một môi trường nước lạnh với các loài cá khác.

Sự thành công của việc phát triển cá hồi trong hơn 5 năm qua đã chỉ ra mức độ ứng dụng thành công của kỹ thuật nuôi cá Hồi chuyên nghiệp trên thế giới vào thực tiễn và triển vọng tại Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, một số vấn đề cần được xem xét và tháo gỡ: Bệnh trên cá Hồi, chất lượng thức ăn và bảo quản thức ăn, quản lý môi trường nước nuôi. Để phát triển các trang trại cá Hồi thì hoạt động đầu tư và công tác khuyến ngư cần được quan tâm.

Nguyễn Văn Thìn

Theo Báo Lào Cai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!