(Tạp chí Thủy sản VN) – Từ khi huyện Gia Bình – tỉnh Bắc Ninh có chủ trương đưa ruộng trũng, đất bãi ven sông cấy một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản, người dân liền nhiệt tình ủng hộ và hăng hái tham gia. Miệt mài lao động biến đất trũng thành “tấc vàng”, nhiều hội viên Hội Nghề cá Bắc Ninh đã trở thành “triệu phú”.
Trang trại của chị Lộc Ảnh: Ngọc Hà
“Vua cá” vùng trũng
Khu chuyển đổi của xã Bình Dương (huyện Gia Bình) bây giờ không phải là một vùng đất trũng, nước trong, chưa mưa đã úng như hơn chục năm trước. Xã có 4 thôn thì 3 thôn tham gia chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản. Thôn chuyển dịch nhiều thì đạt 80 ha, thôn ít cũng có 30- 40 ha. Cả xã hiện giờ đã có 140 ha nuôi trồng thuỷ sản. Tại các khu chuyển đổi được các cấp, các ngành đầu tư cơ sở vật chất: điện, đường, mương dẫn nước càng tạo thuận lợi cho nghề chăn nuôi cá phát triển mạnh mẽ.
Hội viên của HNC xã Bình Dương cũng đã tham gia vào công cuộc chuyển đổi của xã, nhiều người giờ đã trở thành triệu phú. Ông Nguyễn Duy Kiếm – Phó Chủ tịch HNC Bắc Ninh được coi là người tiên phong trong chuyển dịch ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản. Bước sang tuổi 65 nhưng ông Kiếm (thôn Phương Độ, xã Bình Dương) còn nhanh nhẹn lắm, đặc biệt là óc “tính toán” và ý chí làm giàu vẫn hun đúc. Bà con ngưỡng mộ gọi ông là “vua cá vùng trũng”. Hơn 15 năm trước, ông là thầy giáo về nghỉ hưu, gia đình còn nhiều khó khăn. Khi địa phương có phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ông đã nhận 1 ha ruộng trũng xây dựng trang trại theo mô hình VAC kết hợp thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn. Trong 2 năm đầu, do thiếu kinh nghiệm và kiến thức kỹ thuật gia đình ông làm không có lãi.
Nhưng được sự giúp đỡ và hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Hội Làm vườn, HNC tỉnh Bắc Ninh, ông bắt đầu nuôi thả các loại cá thuần như mè, trắm, chép, rô phi…. Thấy có lãi, ông tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại lên 3,4 mẫu (Bắc bộ) với quy mô 4 ao. Trong đó, có 2 ao nuôi cá thương phẩm gồm các loại trắm, chép, rô phi đơn tính, cá quả và cá chim trắng. Hai ao còn lại ông nuôi cá chim trắng giống cung cấp cho nông dân trong vùng và nuôi ba ba. Không chỉ tập trung kinh tế cho gia đình, ông Kiếm còn xây dựng thành công mô hình “Làng cá Việt Nam” gồm 34 hộ tiêu biểu, thiết kế theo kiểu bàn cờ, hệ thống cống rãnh, tưới tiêu hiện đại, lấy cơ sở phát triển từ Tổ nuôi cá của xã đặt tại thôn Gia Phú. Địa hình vùng trũng thuận lợi nuôi cá, môi trường nước lý tưởng cho năng suất, chất lượng cá cao. “Làng cá Việt Nam” ra đời chuyên nuôi cá đặc sản cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Ngoài nuôi cá, ông chăm thêm 60 con lợn nái, hơn 200 con gà, trồng 50 cây nhãn Hương Chi, 50 cây bưởi Diễn, 60 cây khế Bắc Biên và hàng chục búi tre Bát Độ vừa lấy giống vừa cung ứng cho bà con nông dân có nhu cầu trong tỉnh. Riêng với mô hình nuôi ba ba gai, ông tìm hiểu qua sách báo, thăm một số mô hình ở các tỉnh Hải Dương, Yên Bái học tập kinh nghiệm và áp dụng. Nuôi ba ba thành công thu lãi ít nhất 20 triệu/sào chứ không đơn giản chỉ đạt 3-4 triệu/sào như nuôi cá. “Tuy nhiên, cái khó là 3 năm mới cho một lứa, nếu không có đầy đủ kinh nghiệm dễ thất bại” – ông Kiếm “bật mí”.
Hiện tại, với trang trại của mình, mỗi năm ông thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng. Ông tâm sự: “Do nắm bắt tốt kỹ thuật nên cá nuôi tại trang trại của gia đình tôi lớn nhanh như thổi, ít khi gặp dịch bệnh. Nhờ đó, nhiều năm nay, gia đình ông luôn có mức lãi hàng năm lên đến trên dưới 100 triệu đồng”. Trong 10 năm, ông đón hơn 3.500 lượt đại biểu về học hỏi, thăm mô hình, trong đó, năm 2000 vinh dự đón Phó Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Thuỷ sản (cũ) đến tham quan. Ông được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Bộ NN&PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam, UBNDtỉnhBắc Ninh…
Ông Nguyễn Duy Kiếm say mê với công việc
Triệu phú VAC
Không chỉ có ông Kiếm, nhiều hội viên trong HNC Bắc Ninh cũng đang trở thành những triệu phú trẻ. Chị Nguyễn Thị Lộc đã bước sang tuổi ngũ tuần, nhưng vẫn hoạt bát và nhanh nhẹn trong công việc trang trại. Chị tham gia vào HNC Bắc Ninh từ 2006. Với 2 mẫu ao, chị không nuôi baba vì chưa đủ kinh phí đầu tư, gia đình chị chuyển sang nuôi vịt, thả cá chép nước ngọt. Trên bờ, với 3 sào đất, chị trồng cà chua trái vụ và cây ăn quả như ổi, xoài, nhãn, vải, rứa… Hiện trang trại của chị có 400 con gà, 120 con vịt đẻ, gần 30 con lợn/chuồng. Tính ra, mỗi năm chị thu hoạch được trên 200 triệu từ trang trại, trừ chi phí, chị lãi ra gần 50 triệu đồng. Chồng chị là thương binh, chỉ giúp được những việc nhẹ trong nhà. Công việc gia đình, trang trại và nuôi 4 đứa con ăn học ở Hà Nội do một tay chị đảm đương. Bà con trong xóm bảo rằng chị rất siêng năng và đảm đang, còn chị thì cười xuề “không làm lấy gì mà ăn, mình còn khỏe mà”.
Từ ngày tham gia HNC, chị Lộc được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi thủy sản, đồng thời được hỗ trợ một phần từ con giống và thức ăn. Nhờ có cách làm hiệu quả mà từ 2006-2008, chị luôn được HNC Bắc Ninh tặng bằng khen vì đã thành tích trong phát triển trang trại. Tuy nhiên, cũng như nhiều hội viên khác, chị Lộc cũng mong muốn “Hội giúp đỡ mở rộng vay vốn để đầu tư cho trang trại, đồng thời tìm được đầu ra lâu dài cho sản phẩm”.
Cùng với gần 500 hội viên ở 13/14 xã thị trấn trong huyện, những hội viên của HNC Bắc Ninh như ông Kiếm, chị Lộc… vẫn hăng say với công việc trang trại. Nhà nhà đều theo mô hình dưới ao đàn cá, trên bờ hàng cây trữu quả, trong chuồng đàn lợn, đàn gà gối nhau… Nghề cá ở Bình Dương thực sự giúp nhiều hộ dân trở thành “triệu phú”.
>> Năm 2009, tổng sản lượng cá trên địa bàn huyện đạt gần 4.800 tấn, bằng 89% so với kế hoạch; tăng 105% cùng kỳ. Bình quân năng suất đạt 5 tấn/ha. Gia Bình hiện có gần 500 hộ đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhiều chi hội tiêu biểu như: Đổng Lâm, Gia Phú, Phương Độ, Giang Sơn, Song Giang, Xuân Lai và Nhân Thắng…
Ngọc Hà