(TSVN) – Tác động từ nhiều phía đã đẩy ngành thủy sản vào thế khó với cả nuôi trồng, khai thác và xuất khẩu. Để hóa giải được điều này không hề đơn giản, nhất là khi các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam chưa thể thông thương bình thường bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) dù đang chính vụ thu hoạch tôm hùm nhưng giá xuống thấp khiến người nuôi lỗ rất nặng. Một người nuôi tôm hùm bông cho biết, năm ngoái giá loại tôm này bán ở mức 1,9 – 2,1 triệu đồng/kg thì hiện chỉ còn 700.000 – 800.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, người nuôi còn gặp họa khác là tôm bị các bệnh đỏ thân, long đầu khiến sản lượng giảm khoảng 30%, người nuôi lỗ càng lỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải, mùa tôm năm nay, người nuôi trong xã lỗ từ 300 triệu đến cả tỷ đồng. So với năm ngoái, giá tôm hùm năm nay giảm tới 60%, thế nhưng, thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng.
Tại ĐBSCL, tôm nuôi đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi xuất khẩu bế tắc, giá nguyên liệu giảm mạnh, diện tích thiệt hại tăng, đẩy nhiều hộ nuôi tôm vào cảnh khó khăn. So cùng kỳ năm ngoái, giá tôm năm nay giảm sâu và kéo dài chưa từng có; mặc dù hiện tại giá có nhích lên nhẹ nhưng vẫn còn khá thấp. Hiện, tôm sú loại 20 con/kg trung bình là 170.000 đồng/kg; loại 30 con/kg 140.000 đồng/kg; TTCT cỡ 100 con/kg giá giao động 79.000 – 90.000 đồng/kg.
Ở các tỉnh phía Bắc, tình hình NTTS cũng không mấy khả quan. Dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ các sản phẩm thủy sản tươi sống giảm mạnh, giá hầu hết các loại đều xuống thấp. Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), giá TTCT hiện thấp hơn 50.000 – 70.000 đồng/kg so mức trung bình của năm 2019 và rất khó tiêu thụ, người nuôi gần như không có lãi. Bên cạnh đó, đầu ra của giống ngao, hàu tại Quảng Ninh cũng bế tắc do các vùng sản xuất ngao, hàu thương phẩm không bán được nên hạn chế nuôi thêm. Trong khi đó, giá các vật tư đầu vào lại có xu hướng tăng. Cụ thể, giá cám công nghiệp tăng trung bình 5.000 – 6.000 đồng/bao 25 kg, chế phẩm sinh học tăng 5.000 – 10.000 đồng/sản phẩm.
Ra khơi chưa đến 10 ngày nhưng ông Nguyễn Văn Đạt (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã cho tàu cập cảng Hòn Rớ với sản lượng gần 4 tấn cá ngừ sọc dưa. Tuy nhiên, do giá cá hiện khá bấp bênh nên ông Đạt không phấn khởi. Theo ông, do doanh nghiệp khó khăn, hạn chế thu mua nên đa phần tàu khai thác cá ngừ đi về ngắn ngày để bán cho các thương lái tiêu thụ ở các chợ. Hiện nay, giá bán cá ngừ tại chợ ở mức 30.000 đồng/kg, trong khi doanh nghiệp thu mua chỉ 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Thảm hơn là hoạt động khai thác cá ngừ đại dương, trong tháng 7 vừa qua có hàng trăm tàu cá phải nằm bờ. Nguyên nhân chính là do sản lượng khai thác giảm, khó tiêu thụ, giá cá xuống đáy, ngư dân thua lỗ. Ngư dân Lê Văn Tân (TP Nha Trang) cho biết, từ tháng 3 đến tháng 6, không tàu câu cá ngừ vây vàng mắt to nào có lãi, thậm chí thua lỗ lớn. “Tàu của gia đình tôi mỗi chuyến chỉ câu được 12 – 15 con, sản lượng giảm đến 50% so những chuyến biển cùng thời điểm năm trước. Thế nhưng, cá về cảng tiêu thụ rất khó khăn, giá giảm sâu, hiện chỉ còn 85.000 – 87.000 đồng/kg nên mỗi chuyến biển ngư dân lỗ hàng chục triệu đồng” – anh Tân cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý Cảng Hòn Rớ, do tình hình xuất khẩu gặp khó nên nhiều nậu vựa ngừng hoạt động. Trong số 6 doanh nghiệp thu mua cá ngừ vây vàng mắt to chỉ còn 3 đơn vị thu mua cầm chừng do hạn chế về kho lạnh. Giá giảm, tiêu thụ khó khăn đã khiến cho khoảng 200 tàu cá nằm bờ, chủ yếu là tàu câu cá ngừ vây vàng mắt to.
Trước tình hình khai thác nhiều bất lợi như trên, không thể trông chờ vào doanh nghiệp thu mua, nhiều ngư dân đã chuyển hướng sản xuất; thay vì đi dài ngày như trước, ngư dân đã rút ngắn hành trình chuyến biển.
Ngư dân Nguyễn Đức Khánh (TP Nha Trang) cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 7, tàu của ông phải thay đổi hải trình để phù hợp với thị trường. Mỗi chuyến biển của ông chỉ khoảng 10 ngày rồi quay về để kịp bán cá tươi cho các chợ. Với cách làm này, dù giá cá xuống thấp nhưng thời gian đi biển ngắn đã tiết kiệm nhiều chi phí, giúp ngư dân cầm cự để vươn khơi.
Thế nhưng, theo nhiều ngư dân, đây chỉ là giải pháp tình thế, để có thể duy trì hoạt động lâu dài, rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, trước tiên là tăng hỗ trợ các chuyến khai thác khơi xa. Cụ thể, hỗ trợ từ 4 chuyến lên 6 chuyến/năm; đồng thời, có chính sách hỗ trợ ngư dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến… giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Cũng về vấn đề hỗ trợ sản xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin thu mua để nông dân nắm bắt, tránh tình trạng ép giá. Thời gian tới, Cà Mau sẽ khẩn trương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát và tận dụng triệt để từ các FTA, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Tại Quảng Ninh, để gỡ khó đầu ra cho nuôi trồng và khai thác thủy sản, giải pháp trước mắt tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học và các đoàn thể trên địa bàn có giải pháp cụ thể, thiết thực, tham gia tích cực để giúp đỡ nông dân, ngư dân trong tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh quy mô và tăng thêm điều kiện, năng lực chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản để có phương án tổ chức, sơ chế cấp đông, nâng cao giá trị…
Ở hầu hết các địa phương, mọi khó khăn của nông dân, ngư dân đã được chính quyền nắm bắt và có giải pháp. Thế nhưng, có lẽ khó thực hiện được trong thời gian ngắn.
>> Để vượt qua được giai đoạn này, cả ngư dân và doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, trước hết là việc gia hạn nợ, không phạt nợ quá hạn, giảm lãi suất; giảm các loại thuế, phí; giảm giá điện sản xuất; hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp, HTX khai thác xa bờ để đảm bảo ổn định sản xuất… |
Phan Thảo