T2, 06/07/2020 10:31

Nỗi buồn mùa biển lặng

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi gia đình ngư phủ ở cửa biển Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đều có hoàn cảnh chung: chồng lênh đênh trên biển, vợ ở nhà chạy chợ và chăm sóc con cái.

Tất bật để lo đủ ăn trong gia đình lúc thuận buồm xuôi gió đã khó, bây giờ ngư trường cạn, giá xăng dầu cao khiến cuộc sống của ngư dân thêm nhiều nỗi cơ cực; nhất là mùa biển năm 2013, biển thất, nhiều chuyến ra khơi phải bù phí, cá tôm cạn dần, giá giảm đột ngột.


Luẩn quẩn cái nghèo

Xóm Đảo (khóm 4) đìu hiu, có những ngôi nhà trống huơ trống hoác chỉ vài miếng tol lợp tạm. Gọi là xóm Đảo nhưng xóm không phải ở trên… đảo, sở dĩ nó mang cái tên đó vì mấy mươi năm trước xóm nằm lẻ loi, heo hút gần như cách biệt với thị trấn do những hộ dân cư tứ xứ đến cắm đất xung quanh ruộng muối gần bìa rừng phòng hộ, sống bằng nghề đi ghe bạn.

 

Gia đình bà Châu Thuỳ Lê trong căn nhà sắp sập.

Khác với không khí xôm tụ của những năm trước, cửa biển Cái Đôi năm nay vắng lặng, đìu hiu. Mùa này hằng năm ruốc trúng dữ lắm, đi ghe bạn cũng chia được vài triệu một đợt.

Nhưng năm nay đi cỡ mười ngày bạn ghe chia lời được chừng một triệu là hên, thất hơn thì phải bù phí, mất công, mất của mà còn mắc nợ nữa. Tụi tui không sợ sóng gió, chỉ sợ không bắt được cá, tôm để lấy tiền mua gạo. Vợ con ở nhà coi như đói, mần mướn được tới đâu thì ăn tới đó”, anh Nguyễn Văn Hậu (khóm 4) tâm sự.

Biển thất, đó là nỗi sợ hãi cụ thể và tác động trực tiếp vào cuộc sống ngư dân. Anh Nguyễn Văn Hào (khóm 6) kể: “Ba má tôi làm nghề biển ở Trà Vinh, mần ăn khó nên trôi sông lạc chợ tới đây. Năm tui 11 tuổi, ba má mất, tui đi biển với chú thím.

Nhứt là năm nay, bù phí riết tui thâm nợ biết bao nhiêu mà kể. Năm nay tui 28 tuổi, 17 năm đi biển mà không dư nổi chút vốn lấy vợ. Nhà cửa không có, tới miếng đất chọi chim cũng không, nuôi thân không nổi thì ai người ta ưng”.

Gia đình bà Châu Thuỳ Lê (khóm 4) 7 người chui rúc vào cái chòi nghiêng ngã, sắp sập, vỏn vẹn hơn chục mét vuông. Chồng mất, bà đi cắt cá, làm mướn nuôi con. Bà tâm sự: “Nhà cửa như vầy còn khá hơn vợ chồng thằng Tèo ở mướn, tháng trả 300.000 đồng.

Cái xóm này bỏ đi gần hết… Không có sở làm, biển thất lấy cái gì mà ăn, đành bỏ xứ mà đi lên miệt Bình Dương, Sài Gòn”. Tiếng thở dài ám ảnh của bà Lê lẫn vào tiếng gió hú từ cửa biển xộc thẳng vào căn chòi…


Quyết theo con chữ…

Ở xóm Đảo rất nhiều em không đi học đúng tuổi của mình, thậm chí có em không hề được đến trường. Gia đình bà Châu Thuỳ Lê có 4 con, chỉ có cậu con út Nguyễn Chí Hiếu học “cao” nhất: qua lớp một và nghỉ học ngay sau đó. Còn 3 anh chị của Hiếu chưa một ngày đến trường. Gia đình chị Nguyễn Thị Quyên (khóm 4) có 4 con, con trai lớn nhất học xong lớp 5 cũng nghỉ học để đi vá lưới. 

Kiếm miếng ăn hằng ngày còn khó, nên việc học hành của các em nhỏ dường như ít được nhắc tới.  Xóm gần trường nhưng có rất nhiều em chỉ học hết cấp 1 là nghỉ để về làm nghề vá lưới, đi biển và làm mướn. Đứng bên bờ vực đói khổ, nhiều người dân, nhất là lớp trẻ, bắt đầu đổ xô vào các thành phố lớn làm ăn với hy vọng thoát khỏi cái nghèo và ước mơ về một ngày mai tươi sáng sẽ đến với thế hệ con cháu họ.

“Tụi nó đi để đổi đời thoát cái kiếp nghèo khổ bám suốt mấy đời không tha. Con nít xóm này nghèo quá mà phải bỏ học đi làm sớm, tội nghiệp lắm!”, bà Tâm, một người sống gần trọn cuộc đời với xóm Đảo cho hay.

Chị Nguyễn Thị Thuý (khóm 3) ngậm ngùi nói: “Nhà em kế bên trường, thấy mấy đứa trẻ mặc quần tây áo trắng tới lớp, em thèm cho con của em đi học dữ lắm. Nhưng em đi cắt cá nguyên ngày chỉ đủ gạo ăn, mà giờ đâu có nhiều cá để cắt đâu… Nhưng mà em sẽ ráng, cả đời em không biết cái chữ rồi, biết đâu nhờ cái chữ mà con cái của em có cuộc đời sướng hơn ba mẹ chúng!”.


Tiếp tục bám biển hay bỏ nghề?

Chính quyền địa phương và các ngư dân vẫn đang cố sức giữ nghề truyền thống, vẫn mong một ngày nào đó biển hào phóng nuôi ngư dân no đủ, bước chân trẻ lại rộn rã đến trường. Đó cũng là mơ ước bao đời của ngư dân cửa biển, để tiếng trẻ học bài vang lên, những ngôi nhà khang trang sẽ thay thế cho những căn chòi tạm bợ.

“Tui tin không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời. Biển năm nay thất, nhưng biết đâu năm sau trúng… Tui khổ bao nhiêu cũng được, nhưng hai đứa con tui phải được đi học. Muốn đổi đời chỉ còn cách đó”, anh Nguyễn Chí Anh (khóm 4) bộc bạch.

Rời cửa biển Cái Đôi khi trời chạng vạng tối, trên bãi cá, những ngư dân đã rục rịch trở về. Xen lẫn những bước chân mệt mỏi là những tiếng thở dài: “Ráng mần thêm mấy chuyến cá nữa lấy tiền đóng học phí cho sắp nhỏ, năm học tới rồi…”.

Nguyễn Thị Việt Hà

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!