(TSVN) – Trong 100 nông dân xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công bố vừa qua tại Hà Nội, ông Ngô Văn Đệ, ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là người có doanh thu cao nhất – 140 tỷ đồng/năm nhờ nuôi tôm công nghệ cao.
Hiện, ông Đệ đang nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 10 ha. Ông từng nuôi tôm bán thâm canh (một phần phụ thuộc vào tự nhiên), song kết quả không như mong đợi, tôm mắc bệnh, chết nhiều. Đảm bảo nguồn cung cấp tôm sạch và chất lượng đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với người nuôi tôm. Không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, người nuôi tôm ngày nay còn chú trọng đến chất lượng sản phẩm và sự bền vững của ngành nuôi. Trước thực tế này, năm 2015, ông Đệ đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi công nghệ cao.
Ông Ngô Văn Đệ là người có doanh thu cao nhất trong 100 nông dân xuất sắc. Ảnh: ST
Với cách này, mật độ tôm trong ao tăng gấp ba lần so với cách nuôi truyền thống (từ 50 – 100 lên 200 – 300 con/m2), sản lượng cũng cho gấp đôi, gấp ba. Ngoài ra, nuôi tôm công nghệ kiểm soát được lượng thức ăn, môi trường và sức khỏe con tôm.
Để phát triển mô hình nuôi tôm hiệu quả, ông Đệ đã vận động người nuôi tôm địa phương thành lập Hợp tác xã nuôi tôm sạch Long Khánh (HTX Long Khánh) từ năm 2019, gồm 61 thành viên và quản lý diện tích nuôi tôm sạch lên đến 13 ha. Hàng năm, hợp tác xã cung cấp khoảng 300 – 500 tấn tôm sạch cho thị trường, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Quy trình nuôi tôm sạch tại HTX Long Khánh áp dụng công nghệ hiện đại và các biện pháp bảo vệ môi trường. Các thành viên hợp tác xã sử dụng lưới che trên ao nuôi nhằm hạn chế tác động đến môi trường và ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật trung gian.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Ngô Văn Đệ đạt doanh thu 140 tỷ đồng/năm. Ảnh: Huỳnh Xây
Quá trình nuôi tôm được chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn đầu nuôi trong ao ương, giai đoạn hai chuyển tôm sang ao nuôi và giai đoạn cuối sang ao chăm sóc tôm từ 60 ngày tuổi trở lên. HTX Long Khánh đặc biệt chú trọng vào lựa chọn giống tôm và thức ăn từ các công ty uy tín và chất lượng hàng đầu trong ngành nuôi thủy sản.
Các thành viên HTX cũng sử dụng các loại thảo dược để tăng đề kháng và cải thiện sức khỏe đường ruột của tôm. Trong quá trình nuôi tôm, Hợp tác xã áp dụng các biện pháp khử trùng nghiêm ngặt và tuân thủ các quy định về an toàn sinh học, đảm bảo sự an toàn và chất lượng của sản phẩm. Nhờ không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, Hợp tác xã Long Khánh đã đạt chứng nhận VietGAP khoảng 1 ha diện tích ao nuôi và đạt được tăng trưởng tốt, giá bán cao.
Trong các thành viên HTX Long Khánh, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đệ có diện tích lớn nhất, hơn 10 ha, doanh thu 140 tỷ đồng, trừ chi phí, mỗi năm mô hình của ông Đệ cho lời 42 tỷ đồng, ông còn tạo thu nhập cho 40 lao động thường xuyên tại địa phương.
Theo Hội Nông dân Việt Nam, nông dân xuất sắc năm 2023 được bình chọn trên 5 nhóm, lĩnh vực gồm: Sản xuất, kinh doanh; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ an ninh Tổ quốc; sáng kiến, phát minh; Hợp tác xã, hộ kinh doanh tư nhân nhỏ và vừa. Kết quả năm nay có 68 nông dân được tôn vinh trong nhóm sản xuất, kinh doanh. 42 người được đề cử có lợi nhuận trên 3 tỷ đồng, trong đó cao nhất thuộc về một nông dân ở Bến Tre, đạt 50 tỷ đồng/năm.
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 13/10.
Anh Vũ