Năm 2019, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó phải kể đến sự tác động lớn từ Dịch tả lợn châu Phi, diễn biến bất lợi của thời tiết, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định… Nhưng bằng những giải pháp tổng thể, có tính đột phá, toàn ngành vẫn đạt tốc độ tăng GDP khoảng 2,2% (trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng khá 3,98%).
Vẫn có sự tăng trưởng
Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu gồm: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%. Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều).Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm qua, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông; xuất khẩu mật ong đi EU, Mỹ. Lô sữa đầu tiên được xuất chính ngạch vào Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang đây. Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu tôm từ nước ta vào Mỹ; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam. Ngoài ra, ngành cũng tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, HTX.
Nhiều mục tiêu cho 2020
Năm 2020, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2,8 – 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 – 3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng 42%.
Để đạt được mục tiêu này, năm 2020 và thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm OCOP). Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước khống chế được Dịch tả lợn châu Phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” IUU của EC đối với đánh bắt hải sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: 4 điểm nghẽn của ngành nông nghiệp Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến, chủ đạo… Thứ hai, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm. Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý ATTP vẫn rất khó khăn, phức tạp. Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả… |
An An