Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm ngày 1/7, tại Hà Nội.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,36% (cao hơn mức 2,14% năm 2013; nhưng lại thấp hơn mức 2,9% năm 2014); giá trị sản xuất toàn ngành ước 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 6 tháng ước 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ năm trước; trong khi, giá trị nhập khẩu tới 11,36 tỷ USD.
Với lĩnh vực thủy sản, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cho biết, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước 1,496 triệu tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước; nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với dịch bệnh, thời tiết và thị trường tiêu thụ nên sản lượng các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra) có giảm so cùng kỳ.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, cần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, Bộ cần tiếp tục làm ra thêm 22.000 tỷ đồng thì nông nghiệp sẽ tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng 3,4% và giá trị gia tăng khoảng 3% như mong đợi của Chính phủ.
Chiều cùng ngày, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức họp báo thông báo kết quả hoạt động sản xuất nông nghiệp 6 tháng và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tại đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra 3 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất toàn ngành trong 6 tháng cuối năm bằng việc sẽ rà soát lại các chuỗi giá trị đối với những sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.