T3, 04/06/2024 09:21

Nông sản Việt “đắt hàng” tại thị trường Malaysia

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Malaysia là thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm, đồ uống… Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Malaysia ước 35,98 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, dược phẩm, thuốc thú y. Kim ngạch nhập khẩu ước là 0,28 triệu USD, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược và một số mặt hàng khác như nguyên liệu may.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Malaysia trong 3 tháng đầu năm đạt trên 1,23 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 25 triệu USD.

Malaysia là nước có nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương và được hưởng lợi lớn từ các hiệp định này. Có thể thấy rõ điều này qua việc Malaysia xuất siêu liên tục trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, nền kinh tế Malaysia đa dạng, có nhiều phân khúc thị trường khác biệt về văn hóa, tôn giáo nhưng cùng tồn tại và bổ sung cho nhau. Đặc tính của người tiêu dùng nhìn chung là tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên yêu cầu về Halal (sản phẩm hợp pháp để sử dụng theo Luật Hồi giáo) là sự khác biệt lớn nhất cần lưu ý.

Hiện Malaysia là thị trường điểm đến của gần 40 doanh nghiệp cá tra Việt Nam. Ảnh: Gia Bảo

Từ những đặc điểm trên, có thể thấy giao thương giữa Việt Nam và Malaysia có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, Malaysia là thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam. Thứ hai, Malaysia là quốc gia có độ mở thị trường lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Về mặt khó khăn, thách thức, trước hết là sự cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu khác, nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Thứ hai, các mặt hàng thực phẩm đều yêu cầu có chứng chỉ Halal và việc đạt tiêu chuẩn này sẽ làm doanh nghiệp sản xuất tăng thêm chi phí. Sự đa dạng về văn hóa cũng như tôn giáo khiến doanh nghiệp xuất khẩu cần phải quan tâm đến nhiều phân khúc thị trường khác nhau và đảm bảo sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về văn hóa, tôn giáo của các phân khúc này.

Chia sẻ tại Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP Hồ Chí Minh và Cục Xúc tiến Thương mại Malaysia (MATRADE) tổ chức ngày 31/5; ông Firdauz Othman, Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong trong ngành Halal đặc biệt là về mảng tài chính và ngành lương thực, thực phẩm. Malaysia có một môi trường kinh thế thân thiện cũng như lợi thế cạnh tranh trong việc có mức độ tín nhiệm cao về việc chứng nhận Halal được chấp nhận bởi hầu hết các thị trường Hồi giáo trên toàn thế giới. Để khai thác tiềm năng trong lĩnh vực Halal, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận Halal, đồng thời tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại dành riêng cho sản phẩm Halal.

Theo các chuyên gia, để tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Malaysia, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung quan tâm đến các biện pháp xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do mang lại. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại tại Malaysia để tìm kiến cơ hội và các đối tác phân phối, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm… Ngoài ra, để tăng cường liên kết và phát triển giao thương giữa hai nước thì Chính phủ hai quốc gia cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Việc đầu tư vào các dự án hạ tầng như cảng biển, logistics sẽ giảm chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, làm tăng hiệu suất kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư đến hai quốc gia.

Ông Lê Phú Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia nhận định, Malaysia có độ mở thị trường lớn; mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do hai nước cùng tham gia nhiều hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và ASEAN+, đặc biệt là Hiệp định CPTPP. Hơn nữa, Malaysia đang thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy, hải sản…

Có thể nói, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Malaysia có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa thông qua việc áp dụng những giải pháp thúc đẩy hợp tác và tận dụng các cơ hội mới. Việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện hạ tầng và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững trong quan hệ thương mại giữa hai quốc gia.

Vân Anh

Theo Bộ Công thương, Việt Nam và Malaysia đang nỗ lực hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đây là thị trường khá “màu mỡ” cho doanh nghiệp Việt Nam, do đó doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!