NTTS thiệt hại trong bão lũ: Khắc phục mới khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Hai cơn bão số 10, 11 và mưa lũ sau đó đã gần như “nhấn chìm” ngành nông nghiệp các tỉnh miền Trung, đặc biệt về thủy sản. Công tác khắc phục đang được khẩn trương tiến hành. Tuy nhiên, lối thoát cho vụ mới lại rất gian nan.

Đầm “trắng” nước, dân trắng tay

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, đợt bão vừa qua, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (NTTS) phải gánh chịu nhiều tổn thất nhất. Toàn bộ diện tích và sản lượng của 60 ha NTTS trên địa bàn xã bị mất trắng, trong đó hầu hết diện tích chuẩn bị thu hoạch vụ 2 đều bị cuốn trôi. Đáng ngại nhất hiện nay là diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, bởi nếu không khẩn trương khôi phục thì chỉ vài tháng nữa, nguồn thực phẩm thủy sản sẽ thiếu hụt, đẩy giá tăng cao.

Cùng đó, nhiều hộ NTTS ở xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) bị thiệt hại nặng nề. Ao hồ sạt lở, hệ thống tiêu thoát bị ảnh hưởng; đặc biệt, nhiều loại thủy, hải sản trong giai đoạn sinh trưởng đều bị cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Quý, Bí thư Chi bộ thôn Tiến Hưng (xã Thạch Hưng) cho biết: Tiến Hưng có 50 hộ NTTS thì phần lớn nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Và chỉ sau một trận bão, thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng – một con số không nhỏ đối với những hộ vốn quen nghề đăng đáy trên sông, kiếm sống bằng nghề chài lưới.

Khắc phục sau bão lũ, người nuôi thủy sản gặp khó trăm bề – Ảnh: Phan Thanh Cường

Các đợt lũ lụt nặng nề vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Về diện tích NTTS, có 839 ha ao hồ, đầm tôm bị ngập mất trắng, trong đó đầm tôm 244 ha, cá nước ngọt 595 ha. Hiện nay, để giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, huyện đã chỉ đạo tập trung vệ sinh ao đầm, rắc vôi, phun thuốc khử trùng để thả nuôi trở lại; đồng thời, chỉ đạo các xã lập danh sách thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ, cung ứng giống kịp thời phục vụ tái sản xuất.

 

Cách nào để gỡ khó?

Cái khó của người NTTS hiện nay là công tác khắc phục sau bão lũ rất tốn kém cả thời gian và công sức. Anh Nguyễn Hữu Thành (thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, do bị ngập trong nước lũ nên ao đầm bị đọng lại lớp bùn dày đặc, nước trong đầm bị ngọt hóa. Dự kiến phải mất khoảng nửa tháng việc cải tạo ao đầm của gia đình anh mới hoàn tất. Bởi trước tiên phải bơm hết nước, sau đó xúc hết lớp đất trong đầm và rửa đầm, phơi đầm khoảng 1 tuần, rồi rải vôi bột để xử lý môi trường, lấy và xử lý nước… Anh Thành sơ tính, chi phí cải tạo ao đầm của gia đình mất khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này đang là một vấn đề lớn, bởi tài sản hầu hết các gia đình đã trôi theo nước lũ.

Ông Võ Văn Kỹ, Trưởng phòng NTTS, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, khoảng thời gian này miền Trung thường mưa lũ nhiều; do vậy, để tránh thiệt hại, các nhà quản lý và người nuôi nên tính toán khung lịch thời vụ, thời điểm thả nuôi để kết thúc mùa vụ vào trước tháng 10 dương lịch, và khuyến cáo không thả nuôi vụ 3 (trừ diện tích nuôi tôm trên cát).  

Khuyến cáo là vậy và vẫn biết rằng trong NTTS, vấn đề “được tiền tỷ, thua mất trắng” không còn là chuyện lạ. Ngay cả với người dân, họ ít nhiều cũng xác định, làm nghề “đánh bạc với trời” ắt có những khi may nhờ rủi chịu. Nhưng không lẽ thành bại của sản xuất chỉ phụ thuộc ông trời và nỗ lực của riêng nông dân!

>> Tái đầu tư sản xuất là việc mà người dân vẫn sẽ phải làm để đảm bảo cuộc sống, dù chưa biết còn rủi ro nữa hay không. Nhưng họ đang rất cần được hỗ trợ, đặc biệt về định hướng và quy hoạch của ngành chức năng liên quan. 

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!