Nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi biển có vị trí và tầm quan trọng nhất định trong phát triển NTTS, khai thác được tiềm năng lợi thế nuôi biển không chỉ nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nuôi biển không chỉ có vị trí quan trọng về tự nhiên mà còn có ý nghĩa rất lớn về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Thích ứng linh hoạt

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, nuôi biển quan trọng, bởi nó gắn với sinh kế của người dân, đặc biệt là những ngư dân sống ven biển. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu càng phức tạp thì tiềm năng NTTS càng có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Chưa kể về mặt thị trường thì các loại thủy sản ven biển có giá trị kinh tế cao và được được thị trường ưa chuộng hơn, cung luôn không đáp ứng đủ cầu… Vì những lý do trên mà chúng ta cần coi việc NTTS là mục tiêu then chốt để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng và lợi thế nghề nuôi biển cũng đối mặt với nhiều thách thức trong đó môi trường nuôi biển là nuôi hở nên phải chú trọng đến quan trắc môi trường và cảnh báo kịp thời đến người nuôi.

Thông tin tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai do Tổng cục Thủy sản, phối hợp với Sở NN&PTNT Phú Yên, UBND thị xã Sông Cầu, UBND huyện Tuy An tổ chức vừa qua; thực trạng hiện nay về hạ tầng cơ sở nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Yên còn đơn giản, sức chống chịu bão, gió của lồng bè kém nên chỉ nuôi được trong các đầm vịnh. Hình thức nuôi có quy mô nhỏ nên thị trường hạn chế, không xuất khẩu chính ngạch được, giá bán thấp, không ổn định. Một trong những tồn tại hiện nay là các địa phương chưa hoàn thành giao mặt nước nên chưa thực hiện được các thủ tục hành chính như thủ tục đăng ký nuôi lồng bè, nuôi đối tượng chủ lực… Phú Yên là tỉnh nằm trong vùng có tần suất bão, áp thấp nhiệt đới khá cao, do đó việc phát triển nuôi biển xa bờ gặp nhiều trở ngại; hầu hết đất ven biển đã được ưu tiên phát triển du lịch nên diện tích NTTS cũng giảm nhiều.

Phát triển nuôi biển cần gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường. Ảnh: Trúc Linh

Theo đại diện Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, môi trường vùng nuôi thủy sản đang bị ô nhiễm, xâm lấn. Để hình thành được các khu NTTS tiềm năng ven biển, người dân thường phải mất nhiều năm để khai hoang, xây dựng và tạo nên các khu NTTS có hiệu quả. Hiện nay, nhiều địa phương tiến hành cho khai thác cát, làm khu công nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về biến đổi kết cấu đáy biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển.

Để phát triển bền vững

Ghi nhận của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tình trạng NTTS tự phát xảy ra khá phổ biến do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do quy hoạch, do trình độ kỹ thuật nuôi trồng của người dân còn hạn chế, do môi trường… Rất nhiều yếu tố tác động đến kết quả nuôi ngao cũng như nuôi thủy sản ven bờ của người dân. Để thực hiện Đề án phát triển nuôi biển bền vững sắp tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tập trung xây dựng mô hình điểm, đề án để phục vụ Chương trình quốc gia mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Các mô hình sẽ không chỉ hướng tới hiệu quả, mà còn hỗ trợ người dân xây dựng nhãn mác sản phẩm, bao bì, kết nối tiêu thụ, giúp các hộ dân yên tâm sản xuất, tránh phát triển quá đà sẽ làm phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, để phát triển bền vững ngành hàng nuôi biển địa phương, tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tích cực cho Quảng Nam về mọi mặt để phát triển NTTS, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp; đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay, đồng hành với Quảng Nam để phát triển công nghiệp nuôi biển tại địa phương ngày càng phát triển bền vững. Nhằm huy động tốt nhất thế mạnh và nguồn lực; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện nguyên tắc đồng quản lý để giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội – môi trường.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện, Tổng cục có 1 trang web cập nhật các thông tin về quan trắc môi trường người nuôi có thể tham khảo. Nuôi thủy sản ven biển, đặc biệt nuôi nhuyễn thể chịu ảnh hưởng chi phối của môi trường bên ngoài rất nhiều. Chính vì vậy các cơ sở nuôi nếu không có điều kiện giám sát liên tục sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Để mang lại hiệu quả, khuyến các các cơ sở NTTS cần chủ động các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là khi yếu tố môi trường thay đổi. Cũng theo ông Luân, các địa phương có thế mạnh về nuôi biển, cần lựa chọn những giải pháp phù hợp để phát triển nuôi biển thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và nuôi biển theo hướng bền vững. Ngoài công nghệ nuôi tiên tiến, ngư dân cần đầu tư hệ thống lồng, bè, trang thiết bị phục vụ nuôi biển bằng vật liệu mới như vật liệu HDPE để chống chịu được gió bão, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng cục sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương, hỗ trợ ngư dân, bàn những giải pháp để phát triển nuôi biển bền vững hơn…

Hồng Hạnh –  Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!