Mới đây, ở thị trấn Gò Quao (Gò Quao – Kiên Giang) có mô hình nuôi cá lóc trên bờ của gia đình chị Trần Thị Thu. Trong khi đó, ở xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) lại xuất hiện phong trào nuôi cá lóc trong mùng khá hiệu quả…
Do diện tích mặt nước không nhiều nên một số hộ dân ở Mỹ Thuận nghĩ ra cách tận dụng nước sông để thả cá. Nhưng nuôi cá dưới sông có cái khó là phải giữ được cá. “Cái khó ló cái khôn”, bà con đã tìm tòi và ứng dụng phương pháp nuôi cá trong mùng.
Lợi dụng nguồn nước ngọt quanh năm, bà con đem mùng xuống sông, rào thành từng khoảnh nhỏ để nuôi cá lóc. Mùng có lớp ngoài làm bằng lưới, bên trong ép thêm lớp lưới xanh cao 1,8 – 2m để cá không thoát ra ngoài.
Anh Lê Văn Trường ở ấp Cản Đất cho biết: “Lúc đầu, thấy một số hộ thả nuôi tôi còn can ngăn vì không ai tự dưng bỏ ra vài chục triệu đồng để thả cá dưới sông. Nhưng thật bất ngờ, chỉ trong vòng 4 tháng, các gia đình đã thu lãi lớn, thế là tôi cũng học cách làm theo”. Hiện, anh Trường có 5 mùng cá lóc. Anh vừa xuất một mùng, được 53 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 20 triệu đồng. Anh còn 4 mùng cá có chiều ngang 4m, dài 20m, thả nuôi đã hơn 3 tháng, sắp cho thu hoạch, ước lãi 30 triệu đồng.
Theo anh Trường, nuôi cá trong mùng ít gặp rủi ro nhưng người nuôi phải thường xuyên theo dõi và tích cực tìm kiếm thức ăn cho cá. ở Cản Đất không chỉ hộ anh Trường nuôi cá lóc cho thu nhập khá mà có tới trên 10 hộ thu lợi vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Thành Đông, Phó bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận, địa phương sẽ củng cố lại hợp tác xã nông nghiệp, giao cho xã viên nhân rộng những điển hình nuôi cá hiệu quả nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 2%.
Lê Sen-KTNT