Nhiều năm trước, cá ngừ vây xanh đứng bên bờ vực tuyệt chủng và việc nuôi loài cá này theo quy mô công nghiệp được coi là điều bất khả thi. Nhưng tới nay, ngành cá ngừ đã có nhiều chuyển biến tích cực với một tương lai bền vững trong tầm tay.
Ương nuôi cá ngừ vây xanh Ảnh: ST
Khởi đầu khó khăn
Cá ngừ vây xanh (Thunnus thynnus) là loài có giá trị thương mại cao nhất tại châu Âu và châu Á. Tại châu Âu, chúng xuất hiện nhiều ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Biển Bắc, có con nặng trên 700 kg, được cả thị trường nội địa và thị trường sashimi hải ngoại ưa chuộng với giá bán trung bình 20 – 50 euro/kg. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ cao cùng việc công nghiệp hóa các đội tàu khai thác của châu Âu vào thế kỷ 20 đã khiến trữ lượng cá ngừ vây xanh cạn kiệt. Đầu những năm 2000, trữ lượng cá ngừ vây xanh đã giảm xuống mức đáng báo động.
Các tổ chức phi chính phủ và người tiêu dùng tại châu Âu đều rất quan tâm tới những cơ sở nuôi cá ngừ sau khi Hội đồng quốc tế bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) công bố kết quả nghiên cứu năm 2017 về việc 90% trữ lượng thủy sản đã bị rút khỏi biển Địa Trung Hải hàng năm. Tuy nhiên, nuôi cá ngừ khép kín tại châu Âu cũng gặp rất nhiều thách thức. Rất khó huấn luyện cá ngừ ăn thức ăn viên nên nhiều trại vẫn phải sử dụng thức ăn từ các loài cá nhỏ nước ngọt khai thác tại địa phương nên tỷ lệ FCR rất thấp. Điều này có nghĩa, trên 20 kg thức ăn cá vụn mới sản xuất được 1 kg cá ngừ.
Nhiều thách thức
Viện Nghiên cứu Thủy sản (IEO), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Tây Ban Nha là đơn vị kiên trì nuôi cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương ở châu Âu suốt nhiều năm qua. IEO đang điều hành trại giống tại tây nam biển Tây Ban Nha ở Mazarron và có hơn 15 năm dẫn đầu trong phong trào phát triển và thương mại hóa ngành nuôi ấu trùng và vỗ béo cá ngừ vây xanh.
Ngoài IEO, rất nhiều trại giống tư nhân cũng có khả năng sản xuất số lượng lớn cá ngừ vây xanh giống trong những năm qua như Futuna Blue Espana ở nam Tây Ban Nha, Royalton SA ở Hi Lạp và Kilic Seafood Co của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ước tính, IEO và 3 trại giống tư nhân đã sản xuất được 47.500 cá ngừ giống trong năm 2015. Thành tựu này phần nhiều nhờ sự hỗ trợ từ dự án nuôi cá ngừ SELFFOTT và TRANSDOTT của châu Âu giai đoạn 2009 – 2014, được coi là động lực thúc đẩy và thu hút nhiều trại giống tham gia phong trào sản xuất cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương.
Những dự án do EU tài trợ đã thổi bùng phong trào nuôi cá ngừ vây xanh theo quy mô công nghiệp nhờ sự ra đời phương pháp cấy ghép hormone giúp cá ngừ sai trứng. Cuối năm 2016, IEO nhận thêm hỗ trợ từ Quỹ phát triển vùng châu Âu và hoàn thành việc xây dựng 2 bể nuôi cá bố mẹ quy mô lớn và năng suất cao hơn trước. Giai đoạn này, nhiều đột phá quan trọng đã góp phần cải thiện tỷ lệ sống cho cá ngừ suốt giai đoạn ấu trùng; sử dụng copepod làm thức ăn, kết hợp chế độ dinh dưỡng riêng giàu dưỡng chất nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của ấu trùng. Thức ăn viên cho cá ngừ giai đoạn cá bột cũng giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ sống bằng cách giảm tập tính ăn thịt và cải thiện sức khỏe tổng thể cho vật nuôi.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn, song từ khi những dự án của châu Âu bước sang giai đoạn kết vào đầu năm 2015 thì phần lớn các trại giống tư nhân hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất. Futuna Blue Espana, Royalton SA và Kilic Seafood Co đã ngừng sản xuất vào năm 2015 và chỉ còn IEO vẫn kiên trì hoạt động.
Triển vọng?
Trong lúc châu Âu đang bế tắc, thì ở nửa bên kia bán cầu, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra phương pháp nuôi khép kín cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương rất hiệu quả. Gần đây, Nhật Bản đã sản xuất thành công cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương quy mô thương mại tại 20 cơ sở với tỷ lệ sống trung bình 3 – 5%. Nguyên nhân quan trọng lý giải sự thành công của ngành cá ngừ nuôi tại Nhật Bản đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và người nuôi, đi kèm các khoản hỗ trợ tài chính lớn. Những yếu tố then chốt của chiến lược này gồm: Thúc đẩy nuôi bền vững, phát triển phương thức canh tác theo mô hình đa dinh dưỡng (MTA); chế tạo thức ăn viên thân thiện môi trường và tìm nguồn protein thay thế; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp cho tất cả các loại sản phẩm thủy sản nuôi, nuôi ngoài khơi quy mô lớn và phát triển công nghệ cao để đưa các đối tượng giá trị cao vào nuôi dưỡng. Ngoài ra, để ngăn chặn ô nhiễm vùng ven biển và tránh cạnh tranh hay xung đột nguồn lợi với các doanh nghiệp khác và các cơ sở sản xuất công dọc theo đường bờ biển, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch di chuyển tất cả cơ sở nuôi vỗ béo cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương ra khơi vào cuối năm 2017. Để khuyến khích cơ sở nuôi vỗ béo cá ngừ sử dụng cá ngừ bột được sản xuất bền vững, Chính phủ nước này cũng giảm hạn ngạch khai thác cá ngừ vây xanh khai thác tự nhiên xuống một nửa từ năm 2015 và sẽ tiếp tục giảm vào những năm tới.
Trở lại châu Âu, một tin đáng mừng là trữ lượng cá ngừ Đại Tây Dương tự nhiên đã được phục hồi đáng kể, đạt mức cao nhất trong 80 năm qua. Nhằm đảm bảo tiếp cận theo hướng hợp tác và bền vững nhằm phát huy tối đa tiềm năng của hoạt động nuôi cá ngừ khép kín, châu Âu đã xây dựng “kế hoạch tổng thể”. Kế hoạch này gồm cơ chế hỗ trợ tài chính cho cơ sở sản xuất cá giống, thúc đẩy các hãng sản xuất thức ăn chế tạo thức ăn bền vững và tạo ra hệ thống phân phối trứng cá ngừ Đại Tây Dương cho các trại giống toàn vùng; xây dựng hệ thống luật lệ đơn giản nhưng hiệu quả nhằm đảm bảo tương lai bền vững cho ngành khai thác và nuôi cá ngừ; đồng thời chú trọng tính bền vững hệ sinh thái và kinh tế, tránh sản xuất quá nóng.
>> Năm 2015, Nhật Bản sản xuất gần 500.000 cá bột và 50% số này đã được thả nuôi lồng tại đây. Giá cá ngừ bột khoảng 50 USD/con và nhu cầu tiêu thụ cá giống tại Nhật Bản khoảng 600.000 con/năm. Dự kiến vài năm tới, cung sẽ đủ cầu. Lượng cá ngừ nuôi thương phẩm tiêu thụ tại Nhật Bản trong năm 2016 đạt 900 tấn và ước trên 1.000 tấn vào năm 2017. |