Nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Hòa Bình đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị nhằm tạo sự phát triển bền vững cho ngành nghề nuôi trồng thủy sản.

Trên khu vực hồ Hòa Bình có nhiều doanh nghiệp tham gia nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị. Ảnh: Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình liên kết nuôi cá sông Đà tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình).

Trên khu vực hồ Hòa Bình có nhiều doanh nghiệp tham gia nuôi cá sông Đà theo chuỗi giá trị. Ảnh: Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT khảo sát mô hình liên kết nuôi cá sông Đà tại xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình).

Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà được triển khai trong 2 năm 2017-2018 trên địa bàn 5 huyện, thành phố. Trong đó, tại thành phố Hòa Bình có 2 cơ sở tham gia là Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng và Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh với quy mô 240 lồng, sản lượng khoảng 700 tấn/ha. Tại huyện Đà Bắc là đại diện HTX dịch vụ sản xuất – kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương với 6 hộ tham gia, quy mô 93 lồng cá, sản lượng 300 tấn/ha. Sản phẩm theo chuỗi là các loại cá đặc sản như lăng đen, lăng vàng; lăng chấm, ngạnh, tầm; các loại cá truyền thống như: trắm, chép, rô phi. Các cơ sở, hộ gia đình được hỗ trợ tập huấn, kinh phí mua con giống, hướng dẫn áp dụng quy phạm thực hành sản xuất VietGap và các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP); hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm… Các hộ và cơ sở cam kết thực hiện các quy định bảo đảm ATVSTP, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong việc nuôi cá lồng bè.

Cùng với định hướng và quản lý các cơ sở nuôi cá sông Đà thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, Sở NN&PTNT đã phối hợp tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp tham gia dự án dự các hội nghị, tuần lễ, phiên chợ “Nông sản thực phẩm an toàn và vật tư nông nghiệp” tại Hà Nội; giới thiệu và đăng ký sản phẩm cá sông Đà tham gia chương trình bữa ăn an toàn tại Hà Nội; xúc tiến thương mại tại tỉnh Sơn La- Hà Nội; kết nối cung- cầu tại Hà Nội; tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản cho các hộ, doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp nuôi đã tổ chức được thị trường tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà và ngày càng gây dựng được uy tín đối với người tiêu dùng. Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng đã đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi cá sông Đà với quy mô khoảng 160 lồng, sản lượng hàng trăm tấn/năm, đã ký kết hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm cho các nhà hàng, khách sạn uy tín tại Hà Nội. Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh tổ chức các cửa hàng bán cá và giới thiệu cá sông Đà, gian hàng cung ứng thực phẩm sạch và cung cấp sản phẩm vào chương trình bữa ăn an toàn tại Hà Nội…

Cùng với đó sản phẩm cá sông Đà cũng thường xuyên cung cấp cho cửa hàng thực phẩm sạch tại TP Hòa Bình đáp ứng nhu cầu an toàn của người dân. Trên địa bàn tỉnh có 35 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô khá lớn, chiếm tỷ 55% số lồng nuôi và 67% sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đã có 7 doanh nghiệp ký kết với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn theo hướng VietGap bảo đảm ATTP, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nguyễn Hữu Tài cho biết: Qua kiểm tra sản phẩm cá sông Đà cho thấy đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo ra các sản phẩm an toàn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, khai thác được tiềm năng đặc thù, phát triển và quảng bá sản phẩm cá sông Đà của tỉnh. Chi cục đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá sông Đà Hòa Bình.

Lê Chung

HBDT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!