T2, 06/07/2020 09:57

Nuôi hải sâm bằng phương pháp mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Malaysia (USM) đã tìm ra một phương pháp mới để nuôi hải sâm cho mục đích thương mại, góp phần thúc đẩy lợi nhuận kinh tế và cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Thực phẩm và vị thuốc quý

Hải sâm hay đỉa biển là tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea với thân hình dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da, và sống trong lòng biển trên khắp thế giới. Tên tiếng Anh của loài này là Sea cucumber, nghĩa là “dưa biển” do thân hình loài vật này giống quả dưa.

Hải sâm không những có tác dụng y dược cao, mà còn được xem là món cao lương mỹ vị ở Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam do người ta tin tưởng vào tác dụng chữa bệnh của nó. Theo một nghiên cứu mới đây, hải sâm còn là một loài sản xuất ra tỷ lệ polysaccharides sunfat, glycoprotein và lectin cao, có thể điều trị viêm khớp, ung thư và cả HIV…

Giáo sư Tiến sỹ Farid Che Ghazali giới thiệu loài hải sâm biển được nuôi bằng phương pháp mới ở cuộc họp báo tại USM

 

Kỹ thuật đơn giản

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này trên hai loài hải sâm là “Stichopus vastus” và “Stichopus horrens” thông qua phương pháp nuôi ấp. Họ đã nhân số lượng hải sâm thông qua các lồng ấp giống mạch kín sử dụng nước biển đã qua xử lý. Kỹ thuật này liên quan đến các quá trình khác nhau như thu hoạch giống bố mẹ, kích thích đẻ trứng, nhân giống qua giao phối hoặc vô tính và nuôi ấu trùng trong lồng.

Farid Che Ghazali cho biết, kỹ thuật nuôi lồng cần một nhiệt độ từ 27 – 300C và loài này phải được đặt nuôi ở một vị trí tối. Hơn nữa, các lồng ấp bền vững sẽ gia tăng số lượng và giảm sự phụ thuộc vào môi trường sống hoang dã. Kỹ thuật này khá đơn giản, có liên quan đến các thiết bị như bể xi măng, một nhà nhỏ để làm nơi lưu trữ và nước muối.

“Stichopus vastus” – một trong hai loài hải sâm được nuôi thử nghiệm

 

“Một mũi tên trúng hai đích”

Chọn loài hải sâm Stichopus vastus để ấp nuôi vì loài này có thể chiết xuất được các chất sử dụng trong vaccine phòng chống các bệnh như ung thư, tiểu đường và lão hóa.

Giáo sư Tiến sỹ Farid cho biết, nuôi hải sâm là một ngành công nghiệp truyền thống nhưng từ khi nó trở thành ngành công nghiệp “béo bở” ở Trung Quốc thì các nhà kinh doanh đã khuyến khích đầu tư vào nó cho mục đích xuất khẩu.

Còn ở Malaysia, tại các viện y học cổ truyền đã sử dụng chất dịch cơ thể của hải sâm để tạo ra những loại thuốc bổ truyền thống có tên gọi là dầu gamat và nước gamat. Loại thuốc bổ địa phương này dùng phổ biến để chữa các vết thương, điều trị sau khi sinh và các bệnh khác.

Với phương pháp mới này, các doanh nghiệp có thể bắn “một mũi tên trúng hai đích”. Vừa có thể nuôi hải sâm để cứu chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng và vừa kiếm được lợi nhuận kinh tế bằng cách xuất khẩu loài có giá trị cao này – Giáo sư Tiến sỹ Farid Che Ghazali khẳng định.

>> Nghiên cứu của các nhà khoa học trường USM bắt đầu được thực hiện từ năm 2008 với nguồn kinh phí gần 650.000 USD do Viện Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia tài trợ.

Hải Băng

Theo Aseancultureandinformation

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!