Nuôi hàu bằng vật liệu phế thải ở Long Sơn: Đe dọa ô nhiễm nguồn nước

Chưa có đánh giá về bài viết

Tìm hiểu nguyên nhân cá chết bất thường tại các lồng bè ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Ngoài thủ phạm chính là nước thải từ các nhà máy chế biến hải sản, từ việc khai thác cát, thì việc nuôi hàu bằng tấm lợp phế thải và lốp xe cũ cũng là mối đe dọa ô nhiễm nguồn nước.

Khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và được UBND tỉnh quy hoạch từ năm 1997 với diện tích hơn 750ha, trong đó gần 69ha phù hợp để nuôi cá lồng bè. Trong những năm gần đây, cá nuôi lồng bè tại khu vực này đây thường bị chết do ô nhiễm nguồn nước. Cụ thể, năm 2011, có 10 hộ dân nuôi cá bớp và cá chim bị chết; riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã có 3 vụ cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, làm thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước hiện tượng cá lồng bè bị chết và gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, HĐND tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân do các nhà máy chế biến hải sản và việc khai thác cát (không kiểm soát được vị trí, khối lượng khai thác) gây ô nhiễm nguồn nước làm cá chết. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học về môi trường, ngoài 2 nguyên nhân chính gây ô nhiễm nêu trên, nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tại Long Sơn còn bị đe dọa bởi nghề nuôi hàu của bà con.

 

Do ô nhiễm nguồn nước, từ đầu năm 2012 đến nay đã vài lần xảy ra tình trạng cá nuôi lồng bè ở Long Sơn bị chết hàng loạt – Ảnh: Trần Ân Phong

Theo những người nuôi hàu tại Long Sơn cho biết, trước đây, người nuôi hàu chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống nước cho hàu bám vào. Sau này, phát hiện hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng, người dân đã đổ xô đi mua tấm lợp fibro xi măng phế thải để về nuôi hàu. Tuy nhiên, cách nuôi này không duy trì được lâu vì fibro xi măng dễ bị phân hủy trong môi trường nước. Khoảng 3 năm gần đây, người dân Long Sơn lại “học tập” cách nuôi hàu bằng lốp xe phế thải. Sử dụng lốp xe bền hơn do khó bị phân hủy trong môi trường nước nên người dân lại đổ xô mua lốp xe cũ về để khai thác hàu. Sau khi thu hoạch hàu, những loại vật liệu này không dùng được nữa, người dân “tống thẳng” xuống bãi nuôi hoặc vứt thành đống ven sông. 

 

Một bãi thải lốp xe cũ dùng để nuôi hàu ở Long Sơn – Ảnh: Quang Đạt

Nuôi hàu theo phương pháp này ít tốn kém, nhưng lại gây nguy hại đến môi trường nước và an toàn thực phẩm. Phó Giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sĩ, Trung tâm Công nghệ môi trường (Viện Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) khi đến khảo sát tại đây đã đưa ra cảnh báo: việc ngâm tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của các loại thủy hải sản. Cụ thể, lốp xe cũ và phế thải fibro xi măng khi ngâm trong nước sẽ tạo ra chất lưu huỳnh và một số hóa chất độc hại khác. Việc chôn lấp và thải bỏ không đúng quy định làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, đùng nuôi hải sản. Về sức khỏe, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các bãi thải lốp xe cũ là nơi sinh sản muỗi nhiệt đới gây bệnh vàng da và sốt xuất huyết, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng…

Với những lý do nêu trên, ngoài việc chấn chỉnh hoạt động bảo vệ môi trường từ các nhà máy chế biến hải sản ở Tân Hải và khai thác cát, việc tìm giải pháp nuôi hàu thân thiện với môi trường cũng cần sớm được xúc tiến. Nếu không, về lâu dài nghề nuôi trồng hải sản ở Long Sơn cũng sẽ đi vào ngõ cụt bởi nguồn ô nhiễm xuất phát chính từ việc nuôi hàu thiếu khoa học.

Quang Nguyễn

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!