Ngao giá còn gọi là ngao 2 cùi, là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc. Hiện nay, kỹ thuật nuôi ngao giá theo phương thức mới như cải tiến lồng nuôi cũng như áp dụng cơ giới hóa trong khâu thả giống và thu hoạch nên đã mở rộng vùng nuôi, nâng cao năng suất cho người dân.
Chuẩn bị bãi nuôi
Chọn bãi nuôi bằng phẳng, ở vùng dưới triều, chất đáy cát bùn (đảm bảo lồng nuôi không bị lún sâu quá 10 cm trong 12 tháng nuôi); Độ sâu mực nước tối thiểu là 2 m khi thủy triều cạn nhất trong năm (để tránh nắng nóng hoặc mưa lớn kéo dài có thể làm chết ngao). Bãi nuôi có dòng nước lưu thông tốt, tốc độ dòng chảy từ 0,1 – 0,3 m/s; Không có nguồn nước ngọt trực tiếp đổ vào bãi nuôi (độ mặn thích hợp 20 – 31‰); lượng phù sa lắng đọng không quá 3 cm/năm. Bãi không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chất thải từ khu công nghiệp; nước sinh hoạt; bến cảng; vận tải thủy…
Chuẩn bị lồng nuôi
Cải tiến lồng nuôi: Trước đây sử dụng lồng bầu dục (dài x rộng x cao = 50 x 35 x 27 cm) có lưới lót đáy lồng để nuôi ngao. Nhược điểm của lồng này là nặng, khó thao tác nên hiện nay chủ yếu dùng lồng tròn (đường kính x chiều cao = 40 x 27 cm) để nuôi ngao. Lồng tròn không cần lưới lót đáy, nhẹ, dễ thao tác nên có thể nuôi ngao ở những vùng nước sâu hơn.
Bè công tác (bông tông): Là bè nổi, mặt sàn bằng gỗ phẳng, để chứa lồng và thao tác thả, thu hoạch ngao. Trên bè công tác có máy nổ, máy nén khí, dây dẫn, kính lặn, bộ đồ lặn, thiết bị tời để kéo lồng thu ngao. Máy nổ vừa để chạy máy nén khí; vừa để chạy máy tời.
Chọn giống và thả giống
Ngao giống cấp II, đồng đều về kích cỡ; dài 0,8 – 1,2 cm. Giống có màu sắc tươi sáng đặc trưng cho loài. Con giống khỏe mạnh (thả con giống vào nước sau 2 – 3 phút thấy có hoạt động mở miệng và thò vòi hút ra ngoài, phản ứng vòi nhanh nhanh nhẹn với tiếng động khi gõ vào thành dụng cụ chứa).
Xúc cát vào lồng nuôi với độ dày 18 – 20 cm và xếp trên bè công tác rồi kéo bè ra vị trí thả lồng. Giống cấp II đưa về được treo bằng lồng nuôi trên bè công tác. Dùng chén nhỏ múc giống thả và rắc đều trên mặt lồng nuôi hoặc để giữa lồng theo mật độ đã xác định (80 – 100 con/lồng bầu dục và 60 – 70 con/lồng tròn). Chuyển lồng nuôi đã thả giống ra sườn bè công tác để xuống lồng. Lồng được đưa xuống đáy bãi nuôi bằng cách: Dùng dây treo có móc sắt mắc vào 2 bên xườn lồng và từ từ đưa lồng xuống đáy bãi nuôi.
Người lặn ở bên dưới đỡ và đặt lồng thành hàng dưới đáy bãi nuôi. Lưu ý khi thả giống, không đưa lồng xuống quá nhanh có thể văng giống ra ngoài.
Chăm sóc và quản lý
Ngao giá là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu là vi tảo biển và các mảnh vụn hữu cơ lơ lửng trong nước. Người nuôi cần định kỳ kiểm tra sinh trưởng và tỷ lệ sống của ngao nuôi; lưu ý kiểm tra lồng nuôi ngay sau khi có hiện tượng thời tiết bất thường như khi có bão, dịch bệnh hoặc có mưa lớn hay nắng nóng kéo dài. Thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp, gồm: Thả con giống đảm bảo chất lượng, mật độ hợp lý, thông báo cho cơ quan chức năng khi dịch bệnh xảy ra. Ghi chép nhật ký; lưu giữ chứng từ liên quan để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch
Sau 11 – 12 tháng có thể thu hoạch ngao nuôi. Áp dụng máy tời lồng thu hoạch. Thợ lặn lật úp ngược lồng nuôi để cho bùn cát trôi ra ngoài rồi mắc lồng vào móc để kéo lên bè công tác (dùng máy tời để kéo). Tại đây lồng nuôi được cởi bỏ nắp, ngao thương phẩm được đổ ra ngoài; nhân công sẽ nhặt, rửa sạch và phân loại ngao theo kích cỡ. Nuôi theo hình thức này tỷ lệ sống có thể đạt 75%; năng suất đạt 1,4 – 1,6 kg/lồng tròn và 1,8 – 22 kg/lồng bầu dục. Lồng sau khi thu hoạch được phơi khô cho chết sinh vật bám (hà, sun…) rồi vệ sinh, loại bỏ lồng bị vỡ và tiến hành thả vụ tiếp theo. Trong quá trình ương, nuôi ngao giống, người nuôi cần có ý thức tiết kiệm cát xốp, tái sử dụng cát xốp vì đây là nguồn tài nguyên có hạn.
ThS Dương Văn Hiệp
Sở NN&PTNT Quảng Ninh